Cách pha sữa cho trẻ sơ sinh - một công việc rất quen thuộc của các bậc cha mẹ có con nhỏ. Tuy nhiên, để pha sữa đúng cách không phải là điều mà ai cũng biết. Dưới đây là cách pha sữa cho trẻ sơ sinh đảm bảo chất dinh dưỡng và không làm bé đau bụng.
Nhiệt độ nước pha sữa lý tưởng cho bé
Đa phần các loại sữa công thức yêu cầu nước pha sữa ở nhiệt độ khoảng 40-50 độ C (trong hướng dẫn sử dụng đã ghi rõ với từng loại sữa). Một số sữa có chứa một lượng nhỏ vitamin rất nhạy cảm với nhiệt. Nhiệt độ cao sẽ phá hủy các cấu trúc của các vitamin, làm mất chất dinh dưỡng trong sữa. Các loại sữa công thức có bổ sung lợi khuẩn probiotic nếu pha nước quá nóng cũng làm giết chết các lợi khuẩn này.
Lượng sữa hợp lý: Không pha sữa quá đặc
Không ít mẹ khi pha sữa cho con thường bỏ quá giới hạn lượng sữa công thức quy định, sau đó đổ vào rất ít nước. Sai rồi mẹ ơi. Cách này không giúp con hấp thu nhiều dưỡng chất hơn, mà chỉ làm tình hình ăn uống, tiêu hóa của bé thêm xấu đi mà thôi.
Độ đậm đặc của sữa phụ thuộc vào độ tuổi của bé, bởi cơ quan nội tạng của trẻ cần thời gian để phát triển và tăng trường dần dần, chưa thể cùng một lúc hấp thu quá nhiều chất dinh dưỡng. Trẻ sơ sinh bú sữa đậm đặc quá so với hạn mức công thức quy định, về lâu về dài sẽ mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, chẳng hạn đau dạ dày, kiết lị, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, viêm ruột non, xuất huyết cấp tính…
Cách pha sữa bột
Sữa bột thường được đóng thành hộp, kèm theo muỗng đong và nắp nhựa để đóng mở dễ dàng. Bạn chỉ cần pha sữa theo công thức in sẵn trên bao bì:
- Đun sôi nước để tráng lại các dụng cụ cần thiết đã được tiệt trùng (nếu cần).
- Rửa sạch tay, lau khô các vật dụng.
- Rót một lượng nước sôi cần dùng vào bình hoặc ly theo quy định trên vỏ hộp, sau đó để cho nước trong bình nguội bớt (37 độ C).
- Mở hộp sữa và dùng muỗng múc sữa bột, dùng sống dao đã tiệt trùng để gạt sữa cho bằng với mép muỗng. Không nên đong quá đầy, không nên nén sữa chặt trong muỗng.
- Cho lượng sữa đã đong vào bình, quấy đều hoặc lắc bình cho sữa tan hết, không để vón cục.
- Kiểm tra nhiệt độ sữa trước khi cho bé bú bằng cách đổ 1 lượng sữa nhỏ lên cổ tay hoặc mu bàn tay, cảm giác thấy sữa ấm là cho bé bú được.
Cách cho trẻ bú bình
Trong khoảng 10 ngày đầu sau khi sinh, hãy kích thích phản xạ mút của bé bằng cách: vuốt vào bên má bé gần bạn nhất và em bé sẽ xoay lại và há miệng ra. Nếu bé không làm được như vậy, bạn hãy để một vài giọt sữa ứa ra trên núm vú, rồi cho chạm vào môi bé để bé nếm vị sữa.
Khi bé bú, bạn hãy cầm chặt bình sữa để bé có thể kéo ra, kéo vào bình trong khi bú mà không sợ bình bị rơi. Bạn cũng cần làm nghiêng bình sữa để núm vú cao su luôn đầy sữa. Nếu núm vú cao su xẹp xuống, bạn hãy quay quay bình sữa trong miệng bé, để cho không khí lọt vào lại trong bình.
Khi bé bú hết sữa, bạn hãy kéo bình ra khỏi miệng bé một cách dứt khoát. Nếu bé vẫn muốn bú, hãy đưa ngón út của bạn vào miệng bé, nếu bé vẫn mút mạnh thì có thể bé chưa bú đủ và muốn bú thêm.
Sau một thời gian bú dài, nếu em bé không chịu nhả bình sữa, bạn hãy luồn ngón út của bạn vào giữa 2 nướu răng, dọc theo núm vú và từ từ kéo bình sữa ra.
Nếu bé ngủ thiếp đi trong khi đang bú, có thể là bé có hơi trong bụng, khiến cho bé cảm thấy đầy bụng. Bạn hãy cho bé ngồi dậy, ợ hơi trong 1-2 phút, sau đó hãy cho bé bú thêm.
Một số lưu ý khác
- Không dùng lượng sữa còn sót lại
Bạn hãy sử dụng chai mới cho mỗi lần cho bé uống sữa và chú ý vứt bỏ toàn bộ sữa còn thừa sau mỗi lần bé uống. Đừng bao giờ cho bé dùng sữa còn thừa bởi vì sữa này có thể chứa vi khuẩn (vi trùng) và có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh.
Đừng cho thêm các loại thực phẩm khác chẳng hạn như ngũ cốc dành cho em bé vào trong sữa. Nếu bạn nghĩ rằng bé cần nhiều thức ăn hơn với so với bình thường, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định trộn thực phẩm khác vào sữa.
- Ở cạnh bên khi bé ăn
Bữa ăn là thời gian để bạn và bé được ở bên nhau và trò chuyện. Hãy để bé ở gần, ngay đối diện với bạn khi bạn cho bé uống sữa. Đây sẽ là một trải nghiệm thú vị và vui vẻ cho bạn và bé.
- Hãy lấy chai ra ngay khi bé đã no
Đừng đặt bé lên giường với chai sữa và để bé tự uống một mình. Điều này rất nguy hiểm bởi bé có thể bị nghẹt thở. Ngoài ra, trẻ em lớn hơn thường xuyên được cho ăn theo cách này có nhiều khả năng bị viêm tai giữa và sâu răng.
Trên đây là một số hướng dẫn về cách pha sữa cho trẻ sơ sinh cũng như những điều cần lưu ý trong cách cho trẻ bú. Hy vọng ba mẹ đã rút ra được kinh nghiệm cho mình để pha sữa cho bé đúng cách, giúp bé yêu mau lớn và phát triển khỏe mạnh.