Những người thành công, họ luôn biết kiểm soát cảm xúc. Tôi muốn thành công, bạn muốn thành công, chúng ta đều muốn chạm đến ngưỡng cửa thành công nhưng sự nóng giận đã đưa khoảng cách đến thành công ngày một xa hơn. Có lẽ bạn cũng biết sự nóng giận làm chính bạn mệt mỏi, hiệu quả công việc suy giảm, có khi không tìm được lối ra. Chắc hẳn rằng trong chúng ta, không ít nhiều cũng đi tìm lời khuyên từ bạn bè, từ các cách kiềm chế cơn giận trong công việc của các chuyên gia trên mạng xã hội như tự tách mình khỏi cơn giận dữ, cố gắng đặt mình vào vị trí của đối phương, bình tĩnh thở đều, tránh dùng những từ ngữ không hay mang tính áp đặt…
Theo giám đốc khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục của Đại học Stanford Emma Seppala, vấn đề mà chúng ta thường gặp phải khi giận dữ là nó kích thích các trung tâm cảm xúc trong não bộ, làm cho bạn khó có thể suy nghĩ một cách logic. Vì vậy, bạn sẽ cần phải bình tĩnh lại một chút trước khi quay lại giải quyết tình huống gây ra sự tức giận. Khi bạn lắng nghe thì mới thực sự nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và công tâm để gỡ rối một cách hiệu quả nhất, tránh làm tổn thương người đối diện và giúp mối quan hệ trong giao tiếp có sự đồng cảm và thoải mái hơn.
Bản thân tôi cũng từng mất kiểm soát cảm xúc khi cơn giận kéo đến. Khi tôi làm việc với một CEO rất giỏi nhưng lại vô cùng bảo thủ và không tin bất kỳ ai. Người ta nói rằng một sếp thật sự giỏi không chỉ ở tài năng, ở tầm nhìn mà còn ở việc quản lý nhân sự (con người) tức tin thì mới dùng, không tin thì đừng dùng. Với nhiều chính sách thay đổi liên tục và khắt khe, nhân viên công ty dần rời bỏ, không phải vì họ không có khả năng mà đa phần ra đi vì bức xúc Sếp.
Họ cảm thấy bị tổn thương vì luôn bị nghi ngờ, cảm thấy bản thân không được tôn trọng. Họ ức chế vì áp lực quá khắt khe, thậm chí là vô lý. Có những người khôn ngoan, họ lẳng lặng nghỉ việc. Có người bộc lộ sự tức giận và bức xúc nghỉ ngay. Có những người chịu đựng đến khi quá mức giới hạn của họ. Tất nhiên cảm xúc là một chuỗi dẫn dắt, bắt đầu từ nóng giận bên trong đến mất kiểm soát bộc lộ ra ngoài và cuối cùng là cảm thấy vấn đề càng rắc rối và căng thẳng. Một lần, hai lần, tôi cũng như họ, tôi phát điên vì ức chế nhưng rồi tôi nhận ra một quy tắc ngầm để vượt qua điều đó.
Thứ 1: Hãy im lặng cho đến khi tâm thật sự tĩnh (mọi cảm xúc, thái độ, hành động đều sẽ bị cảm xúc dẫn dắt theo hướng tiêu cực lúc này).
Thứ 2: Không được đưa ra bất cứ quyết định nào vào thời điểm này.
Thứ 3: Suy nghĩ tích cực là mọi việc đều có hướng giải quyết (Khi bạn bình tĩnh, mọi nút thắt đều có thể tháo gỡ dễ dàng).
Trong cuộc sống, áp lực, bất đồng, xung đột sẽ luôn luôn xảy ra. Hãy bình thản trải nghiệm nó như một điều đương nhiên trong các giai đoạn đời người để bạn hoàn thiện bản thân và can đảm hơn, đôi khi thử thách kiểm soát được cơn giận sẽ vô tình giúp bạn phát hiện ra được những khả năng tiềm ẩn của mình như kỹ năng giải quyết vấn đề hay sự sáng tạo. Khi bạn vượt qua được cơn nóng giận trong công việc, bạn sẽ thấy mọi thứ sau này đều khá thoái mái và dễ dàng.
Đừng bao giờ để chính bạn phải mệt mỏi và để cơn giận dữ chi phối hết thời gian và những điều tốt đẹp khác mà lẽ ra bạn đáng được cảm nhận trong ngày hôm đó. Một ngày nào đó bạn có thể bình thản trước mọi cơn giận dữ thì bạn sẽ phát hiện ra quỹ thời gian của mình còn quá nhiều cho những cảm xúc vui vẻ, thăng hoa, đặc biệt là bạn nhận ra mọi việc đều đơn giản chứ không phức tạp và nặng nề đến thế.
Mong rằng, trong chúng ta sẽ không vấp phải sai lầm nào trong cơn giận để sau này nhìn lại không phải thốt ra hai từ: “Giá như…”