Chocolate là hỗn hợp giữa cacao và bơ cacao, thêm đường, sữa cùng những phụ gia khác và được chế biến thành dạng thanh hoặc pha chế thức uống.
Ăn chocolate thường xuyên giúp giảm nguy cơ đông máu và tắc nghẽn các mạch máu. Hợp chất flavanols trong chocolate đen giúp chống viêm, chống oxy hóa, ngăn ngừa ung thư. Ngoài ra, chúng còn chứa nhiều các khoáng chất quan trọng cho cơ thể như magie, kẽm và sắt.
Theo MSN, để chọn mua được chocolate tốt cho sức khỏe, mọi người cần kiểm tra thông tin thành phần cụ thể trên nhãn. Chocolate có thêm đường, sữa và các chất phụ gia khác sẽ làm giảm lượng khoáng chất và chất chống oxy hóa mà chocolate tự nhiên có thể cung cấp.
Hàm lượng cacao cao
Kiểm tra bao bì đảm bảo thành phần cacao hoặc nước cốt chocolate được liệt kê trước. Bạn nên chọn chocolate đen có ít nhất 70% hàm lượng cacao.
Hàm lượng đường thấp
Đường làm dịu đi vị đắng của cacao, tốt nhất nên là thành phần cuối cùng được liệt kê và không được vượt quá 10 g.
Không có chất béo chuyển hóa
Các nhà sản xuất có thể thêm chất béo chuyển hóa để kéo dài thời hạn sử dụng của chocolate. Nếu bạn thấy thành phần dầu hydro hóa hoặc hydro hóa trên bao bì, loại chocolate đó đang chứa chất béo không lành mạnh.
Hiểu về thành phần
Khi chọn mua chocolate, các chuyên gia khuyên nên chọn thành phần và quy trình sản xuất càng đơn giản càng tốt. Thành phần ít chứng tỏ chúng không bị chế biến nhiều.
Nếu bạn quan tâm đến nguồn gốc của chất phụ gia, hãy chọn một thanh chocolate có chứng nhận hữu cơ.
Ăn đủ liều lượng
Do hàm lượng calo và chất béo bão hòa trong chocolate cao, bạn cần giảm lượng thực phẩm chứa calo khác để cân bằng dinh dưỡng trong một ngày.
Có ưu điểm giàu chất chống oxy hóa nhưng chocolate vẫn là một thực phẩm giàu năng lượng. Bạn chỉ nên dùng khoảng 30 đến 55 g chocolate mỗi ngày. Không nên ăn quá 200 g chocolate trong một tuần.