Nhiễm sán chỉ vì cách luộc thịt tưởng sẽ ngon, bổ
Anh Quân (tên nhân vật đã được thay đổi), 40 tuổi, sống tại Hà Nội có sở thích ăn đồ sống, tái. Đặc biệt, món thịt lợn luộc của gia đình anh lúc nào cũng phải còn màu hồng ở bên trong. Anh cho rằng, thịt như thế mới ngon, ngọt và giữ lại tối đa dưỡng chất.
Các loại nem, chạo, phở bò tái và bít tết tái cũng là món ăn ưa thích của anh Quân.
Vừa qua, anh Quân xuất hiện triệu chứng đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn, kèm cảm giác châm chích, khó chịu ở vùng hậu môn. Đáng nói, khi đi ngoài, anh Quân còn thấy đốt sán lộ ra ngoài.
Quá lo sợ, anh Quân phải đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để thăm khám. Kết quả kiểm tra cho thấy, anh Quân nhiễm sán dây trưởng thành.
Theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời gian vừa qua có nhiều bệnh nhân tới thăm khám vì nhiễm giun sán.
Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp này tự "rước bệnh vào người" vì thói quen ăn đồ sống, tái, không đảm bảo vệ sinh.
"Có 2 loại sán dây thường gặp đó là sán dây lợn và sán dây bò. Bệnh nhân bị nhiễm sán dây bò thi thoảng sẽ thấy đốt sán bò ra ngoài qua đường hậu môn hoặc theo phân ra ngoài.
Bệnh sán dây trưởng thành phân bố rải rác nhiều nơi trên toàn quốc, tỉ lệ nhiễm dao động từ 0,5-12%; trong đó, tỉ lệ nhiễm sán dây bò là chủ yếu chiếm 70-80%, sán dây lợn chiếm tỷ lệ thấp 10-20%", BS Thiệu cho hay.
Nguy hiểm tiềm tàng trong loạt món ăn khoái khẩu
Theo chuyên gia này, thịt lợn luộc là một món ăn ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, nó có thể gây nguy cơ nhiễm sán nếu chưa được nấu chín hoàn toàn.
Sán lợn (hay còn gọi là sán heo, sán toán) là một loại sán trong họ Fasciolidae, phần lớn sống trong gan của lợn hoặc các loài động vật khác như gia súc.
Khi thịt lợn còn tái, nghĩa là chưa được nấu chín hoàn toàn, các dạng trứng và nang của sán lợn có thể vẫn tồn tại và lây lan vào cơ thể con người thông qua ăn uống.
"Sán dây lợn là một loại ký sinh trùng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Khi sán lợn xâm nhập vào cơ thể con người, chúng có thể di chuyển và sinh sống trong gan và túi mật, gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm gan mạn tính, viêm túi mật, sưng gan và giảm chức năng gan", BS Thiệu phân tích.
Các triệu chứng của nhiễm sán lợn có thể bao gồm mệt mỏi, đau thắt ngực, ăn không tiêu, và giảm cân đột ngột.
Hơn nữa, việc tiếp xúc với sán lợn còn có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa. Sán lợn sẽ lặn xuống ruột non và gây ra viêm ruột, tiêu chảy và đau bụng nếu không được điều trị kịp thời.
Bên cạnh thịt lợn luộc tái, nhiều món ăn khoái khẩu của người Việt đều tiềm ẩn nguy cơ đưa sán dây lợn, sán dây bò vào người.
Phở bò tái hoặc bò tái nhúng lẩu, bò bít tết tái là những món ăn khoái khẩu có thể khiến thực khách bị nhiễm sán. Ngoài ra, khi ăn nem chua nhưng chưa đủ độ chua cũng có thể khiến bạn đối mặt với nguy cơ này.
Để phòng tránh nguy cơ bị nhiễm sán, BS Thiệu khuyến cáo người dân cần tuân thủ nguyên tắc sau:
Luôn ăn thực phẩm chính: Để đảm bảo sán bị tiêu diệt hoàn toàn, hãy luôn nấu chín thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn.
Kiểm tra thực phẩm trước khi ăn: Trước khi ăn các loại thịt, hãy kiểm tra thật kỹ để đảm bảo rằng thịt đã chín đều và không còn màu hồng.
Đảm bảo vệ sinh thực phẩm: Luôn giữ cho thực phẩm được vệ sinh sạch sẽ và tránh tiếp xúc với bề mặt có thể nhiễm ký sinh trùng.
Kiểm tra nguồn thực phẩm: Đảm bảo mua thịt lợn từ nguồn đáng tin cậy và đã được kiểm tra và chứng nhận an toàn.