3 mốc phát triển ngôn ngữ của bé trước 4 tuổi
Trong những năm đầu đời, những tiếng gọi “ba”, “mẹ” đầu tiên của trẻ luôn khiến các bậc phụ huynh cảm thấy hạnh phúc. Theo các chuyên gia, mỗi đứa trẻ sẽ có một quá trình hình thành và phát triển tư duy ngôn ngữ khác nhau.
Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, Giảng viên Bộ môn Nhi Đại học Y dược TP.HCM, cho biết sự phát triển tâm thần của bé được đánh giá bởi sự phát triển ngôn ngữ và mối quan hệ với người xung quanh.
Theo đó, tính trung bình theo tuổi, trẻ sẽ có những cột mốc phát triển cụ thể như sau:
Trẻ từ 1-6 tháng: Có xu hướng ê a đáp ứng với lời nói
Trẻ từ 6-9 tháng: Bắt đầu bập bẹ
Trẻ từ 10-11 tháng: Bắt đầu phát ra các tiếng "ma ma", "ba ba" (vô nghĩa)
Trẻ 12 tháng: Trẻ đã có thể nói "ma ma", "ba ba" một cách đúng nghĩa
Trong giai đoạn trẻ dưới 12 tháng, trung bình bé học thêm được 1 từ mỗi tuần.
Trẻ 24 tháng tuổi: Học được trên 50 từ, cụm 2 từ
Trẻ từ 3 tuổi: Học được cụm 3 từ, đặt câu hỏi, kể chuyện
Trẻ từ 4 tuổi: Nói được câu 6-8 từ, biết 4 màu, đếm đến 10
Tuy nhiên, bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương lưu ý các mốc phát triển ngôn ngữ được nêu sau đây là trung bình theo tuổi. Nghĩa là sẽ có một số trẻ phát triển sớm hơn hay chậm hơn một chút so với thời điểm mốc.
Nguyên tắc số 4 để hiểu về mốc ngôn ngữ của trẻ
Để nhớ các mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ, cha mẹ cần ghi nhớ nguyên tắc số 4.
Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương thông tin: "Ở đây, cha mẹ nên chú ý là có yêu cầu 'hiểu được bởi 1 người lạ'. Tức là yêu cầu bé phát âm được đúng, chính xác từ muốn diễn đạt (thông thường ba mẹ, người thân của bé thường đoán, nhìn theo tay bé chỉ,… để biết những điều bé cần hơn là nghe được đúng từ)".
Về nguyên nhân khiến trẻ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ, bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương cho biết trẻ có thể bị thính lực kém, mắc bệnh lý ở não, có vấn đề về tâm lý...
Trường hợp quan sát thấy bé đã đến tuổi nhưng vẫn chưa đạt được mốc, cha mẹ nên đưa bé đi khám chuyên khoa. Việc phát hiện sớm vấn đề sẽ giúp can thiệp kịp thời, cho phép bé cải thiện ngôn ngữ theo đúng lứa tuổi.