Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM để ban hành 16 tiêu chuẩn thiết yếu dành cho phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng này đã dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật như Luật khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định 109 của Chính phủ, các thông tư triển khai về Luật, những yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật.
16 tiêu chuẩn mới được ban hành nhằm mục đích hỗ trợ các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ tự rà soát, củng cố những phòng khám hiện đang có hoặc chưa có theo chuẩn này.
“Sở Y tế sẽ xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng dành riêng cho phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và tiến hành đánh giá chất lượng tất cả phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn thành phố trong năm 2018. Kết quả đánh giá sẽ công khai cho người dân biết để chọn lựa khi có nhu cầu muốn làm thẩm mỹ”, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y nói.
16 tiêu chuẩn dành cho phòng khám thẩm mỹ bao gồm:
1. Tất cả nhân viên y tế trực tiếp tham gia khám chữa bệnh tại phòng khám phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phù hợp và phải đăng ký hành nghề.
2. Nếu phòng khám có hợp đồng với nhân viên y tế hiện là viên chức nhà nước phải có văn bản của người đứng đầu đơn vị cho phép làm việc ngoài giờ.
3. Bố trí đủ nhân sự để hỗ trợ bác sĩ thực hiện phẫu thuật, thủ thuật và theo dõi người bệnh.
4. Nếu phòng khám có khám, chữa bệnh cho người nước ngoài, bác sĩ phải được cấp giấy chứng nhận sử dụng thành thạo ngoại ngữ hoặc có người phiên dịch theo đúng quy định.
5. Nếu cơ sở thẩm mỹ có bác sĩ người nước ngoài tham gia khám, chữa bệnh, phải có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề phù hợp do Bộ Y tế cấp, được cấp giấy chứng nhận sử dụng thành thạo tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh hoặc có người phiên dịch theo đúng quy định.
6. Phòng khám chỉ được hoạt động sau khi Sở Y tế đã thẩm định và cấp phép.
7. Biển hiệu của phòng khám phải đúng quy cách và đầy đủ nội dung theo quy định. Cơ sở thẩm mỹ phải trình nội dung quảng cáo lên Sở xét duyệt.
8. Tất cả kỹ thuật chẩn đoán và điều trị của phòng khám phải được Sở Y tế thẩm định và phê duyệt trước khi thực hiện.
9. Khi thay đổi nhân sự thực hiện kỹ thuật, người chịu trách nhiệm chuyên môn phải báo cáo về Sở Y tế để thẩm định, phê duyệt lại các kỹ thuật có liên quan.
10. Trong quá trình hoạt động, nếu phòng khám có nhu cầu bổ sung thêm kỹ thuật thì phải gửi hồ sơ để được Sở Y tế thẩm định và phê duyệt bổ sung trước khi triển khai thực hiện.
11. Bác sĩ điều trị phải là người trực tiếp tư vấn cho người bệnh về chỉ định và các phương pháp can thiệp để người bệnh biết rõ và chọn lựa.
12. Nội dung tư vấn phải bao gồm cả hiệu quả can thiệp và tác dụng không mong muốn, phải được thể hiện và lưu vào hồ sơ bệnh án.
13. Phòng khám phải lập hồ sơ bệnh án ngoại trú cho từng người bệnh đến khám và điều trị theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, sử dụng đúng biểu mẫu hồ sơ bệnh án ngoại trú do Bộ Y tế ban hành.
14. Bác sĩ điều trị ghi chép đầy đủ các mục quy định trong bệnh án, lưu ý những nội dung về thăm khám, chẩn đoán, đánh giá tình trạng người bệnh trước và sau phẫu thuật, thủ thuật.
15. Cơ sở thẩm mỹ phải có phiếu tường trình thủ thuật, phẫu thuật phải được ghi đầy đủ các nội dung theo quy định của Bộ Y tế. Hồ sơ bệnh án phải được lưu trữ theo đúng quy định.
16. Phòng khám phải ghi đầy đủ thông tin theo đúng biểu mẫu của Bộ Y tế, tuân thủ nghiêm các quy định về kê đơn thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần...