Ngày 15/2, Bệnh viện Nhân dân 115 đã trở thành đơn vị đầu tiên ở Châu Á tiến hành phẫu thuật bóc tách u não thành công với sự hỗ trợ bằng cánh tay Robot (hệ thống Robot Modus V Synaptive). Bác sĩ Phan Văn Báu, giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, sau 90 phút, tức khoảng thời gian phẫu thuật chỉ bằng 1/3 thời gian ca mổ u não theo phương pháp truyền thông, ca bóc tách khối u có kích thước 1x2cm trong não của nữ bệnh nhân (67 tuổi, ngụ tại Tây Ninh) đã được lấy ra ngoài trọn vẹn, an toàn.
Được biết, trước đó, bệnh nhân trên nhập viện trong tình trạng đau nhức đầu không rõ nguyên nhân. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có một khối u trong não. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, khối u có kích thước 1x2cm nằm dưới vỏ, vùng trán bên trái (chi phối các thần kinh điều khiển nửa người bên phải). Khối u đang có nguy cơ khiến bệnh nhân bị ảnh hưởng chức năng nói, yếu, liệt nửa người…
Để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm do khối u lớn lên hàng ngày sẽ ảnh hưởng đến các khu thần kinh của não, các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 đã chỉ định phẫu thuật bóc tách khối u. Điều đáng mừng là, ca phẫu thuật trên được thực hiện với sự hỗ trợ của cánh tay Robot.
Ca mổ được bắt đầu lúc 9 giờ sáng 15/2, kết thúc 10 giờ 30 phút, do các bác sĩ Việt nam thực hiện với sự hỗ trợ từ GS. BS Amin Kassam (Phó Chủ tịch Viện phát triển Khoa học thần kinh Aurora, Trưởng Ban khoa học, Trung tâm y tế Advocateaurora, Mỹ). Ông là người nuôi ý tưởng và mang phẫu thuật đến với các nước Đông Nam Á.
Theo bác sĩ Kasam, phẫu thuật u não bằng cánh tay Robot có nhiều ưu điểm như nhanh gọn, có độ chính xác cao và an toàn … do khả năng định vị các vị trí phẫu thuật, cũng như tầm nhìn, góc độ nhiều hơn đối với những vị trí phẫu thuật phức tạp. Cụ thể như các khối u não thường nằm ở những vị trí có nhiều cơ quan thần kinh, nếu phẫu thuật thông thường, chỉ cần phẫu thuật viên lệch tay mổ là có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Trong khi với sự hỗ trợ của cánh tay robot và việc định vị từ trước thì điều này được xử lý triệt để. Đây là ca mổ u não đầu tiên ở Châu Á và VN, cụ thể bệnh viện 115 là đơn vị đầu tiên áp dụng.
Ca đầu tiên, ca khó mà làm chỉ trong 1 tiếng rưỡi là 1 thành công ngoài mong đợi. Nếu phẫu thuật này làm trong điều kiện cổ điển (không có robot, định vị) mất hơn 4 tiếng đồng hồ. Do đó, hi vọng các ca tới sẽ có thể tăng tốc nhanh hơn nữa.
Được biết, kỹ thuật này đã được triển khai ở Canada và Mỹ. BV Micoky có ca mổ đầu tiên vào năm 2015, lần thứ 2 là ở VN. Đây là hệ thống cánh tay Robot duy nhất tại Việt Nam hiện nay nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Hệ thống Robot này mới ra đời ở Mỹ năm 2015 và chỉ sau 3 năm Việt Nam – Bệnh viện Nhân Dân 115 đã có và áp dụng thành công.
Bà Vũ Thị Kim Dung (đại diện công ty Vĩnh Đức, đơn vị hợp tác BV) cho biết, kinh phí đầu tư hệ thống Robot này là 4 tỷ đồng. chi phí cụ thể sẽ do phía bệnh viện tính toán. Hiện, nhà tài trợ sẽ hỗ trợ phẫu thuật miễn phí cho 10 trường hợp phẫu thuật Robot đầu tiên (hiện tại chi phí mổ là 50 triệu đồng).
Bác sĩ Chu Tấn Sỹ - Trưởng Khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, để có được thành quả như hôm nay, từ năm 2017, Ban giám đốc bệnh viện Nhân dân 115 đã chỉ đạo phải triển khai kỹ thuật mới. Theo đó, cử một số bác sĩ qua Mỹ, Thụy Sỹ học phẫu thuật Robot. Sau học có thể kiểm soát được việc mổ trên robot này.
Nói về sự khác biệt giữa việc mổ theo phương pháp truyền thống và Robot, bác sĩ Chu Tấn Sỹ chia sẻ: "Trước đây mổ hoàn toàn bằng kính vi phẫu do đó chủ yếu nhìn vào bàn tay mình làm nhưng khi mổ bằng robot này thì tất cả nhìn vào màn hình, thực hiện kỹ thuật này trên xác tươi nên mọi thứ rất ngỡ ngàng. Ca mổ đầu tiên luôn có áp lực rất nặng nề, cho dù đã chuẩn bị kịch bản rất kỹ, gần như mỗi buổi sáng đều giao ban riêng để phân công các anh chị trong kíp mổ giữ vai trò của mình thật tốt…. Nói vậy thôi chứ khi bước vào cuộc mổ về yếu tố thời gian, tôi quên hết tất cả đều tập trung vào ca mổ. Rất vui mừng là ngay từ ca đầu tiên chúng tôi đã thành công, an toàn, bệnh nhân tiên lượng tốt".