Hơn nửa tháng sau tai nạn, căn nhà xập xệ của gia đình em Trần Đức Đông (10 tuổi) ở thôn 2, xã Long Tân (huyện Phú Riềng, Bình Phước) hiu quạnh, khói nhang phảng phất.
Ngước đôi mắt đỏ hoe lên bàn thờ con, chị Lê Thị Lan (33 tuổi, mẹ Đông) nghẹn giọng: "Đó là tấm hình tươm tất nhất của em lúc còn sống, chụp lúc học xong mẫu giáo. Giờ, nó cao lớn lắm".
Vợ chồng chị lượm điều thuê, đầu tắt mặt tối nên ít thời gian chăm sóc con, Đông và em trai ở nhà tự bảo ban chuyện ăn, học. Gia đình không có gì đáng giá ngoài một con bò ở chuồng kế bên.
Nhà cách trường 2 km, Đông mơ ước có chiếc xe đạp để đi học và rong chơi cùng chúng bạn. Thương con, chị chắt bóp suốt một thời gian dài mới mua được hồi đầu năm. "Ngày được dẫn đi mua xe nó mừng lắm. Nó bảo có xe rồi đi học, đi phụ việc cho bố mẹ sướng hơn", chị kể.
Còn nhỏ nhưng Đông đã biết phụ giúp cha mẹ. Nhiều hôm, đầu giờ chiều cha mẹ mới đi làm về thì Đông đã tự nấu cơm hoặc luộc khoai ăn để đến trường. Thỉnh thoảng, khi người lớn cho vài đồng để ăn bánh kẹo, cậu lại để dành đưa cho mẹ. "Hôm con mất, tôi gom đồ thì thấy một xấp tiền 1.000, 2.000 đồng nhăn nhúm. Nó vẫn để đấy chứ đâu dám tiêu", chị Lan kéo áo lau nước mắt.
Hôm xảy ra tai nạn là ngày 1/5, Đông và em được nghỉ học còn cha mẹ vẫn đi làm. Đến giữa chiều, đang lượm điều, vợ chồng chị Lan rụng rời tay chân khi nghe hàng xóm báo tin con mình đuối nước. Chạy một mạch đến bờ hồ, nhìn thấy con nằm bất động, chị khóc ngất.
Lo xong hậu sự cho con, vợ chồng chị mới được bà con lối xóm cho biết sự việc xảy ra thế nào. Hôm đó anh em Đông cùng 4 đứa trẻ trong xóm rủ nhau ra hồ nước bên chùa Thanh Tân chơi thả thuyền. Một lúc sau, em Nguyễn Thị Huyền Nhi (9 tuổi) bị ngã vào chỗ nước sâu, vùng vẫy kêu cứu. Quá hoảng loạn, các em còn lại nhào ra cứu bạn nhưng cũng đều bị đuối nước.
Là đứa duy nhất biết bơi, Đông lội ra đưa Nguyễn Văn Bắc (11 tuổi, anh trai Nhi) vào bờ trước, nói: "Anh lên bờ đi, anh đâu có biết bơi". Sau đó, Đông lần lượt đưa em trai và 2 bạn khác khác vào bờ, dặn chúng "phải móc miệng để nước trôi ra". Đông tiếp tục bơi ra chỗ Nhi nhưng cả hai đứa chìm xuống hồ. Nhóm trẻ hoảng loạn kêu cứu nhưng khi mọi người mò được thì 2 đứa đã tử vong.
Từ ngày con mất, anh Trần Văn Phương (34 tuổi) lặng lẽ hơn. Anh nói rất tiếc nuối vì khi Đông còn sống cha con ít gần gũi chuyện trò. "Lúc tôi đi làm thì các con chưa thức, tối về thì chúng đã ngủ nên ba con ít gặp nhau. Đông mất là nỗi đau không thể bù đắp nhưng vợ chồng tôi cũng có chút an ủi vì nhiều đứa trẻ khác được cứu sống", anh nói.
Chính quyền xã, thôn và bà con thỉnh thoảng đến nhà động viên gia đình anh. Anh Phương và người hàng xóm Nguyễn Văn Bình (cha của Bắc và Nhi) càng thêm đồng cảm nỗi đau khi họ đều mất con.
Bà Mai Thị Hường (Hiệu trưởng trường Tiểu học Long Tân) cho biết, tất cả các em trong vụ đuối nước đều là học sinh của trường. Địa phương còn nhiều khó khăn nên phần lớn con em học ở trường đều xuất thân từ gia đình làm rẫy hoặc làm thuê.
"Nếu không có hành động dũng cảm của Đông, chắc nhà trường mất nhiều học sinh hơn", bà Hường nói, giọng buồn rượi.
10 tuổi, Đông vẫn học lớp 2 do ở lại lớp. Chỗ ngồi tại dãy bàn đầu tiên trong lớp 2A3 của Đông, nay để trống.
"Đông học yếu nhưng rất chăm ngoan, biết nghe lời cô giáo và thương các bạn lắm. Năm nay cháu tiến bộ, lẽ ra được lên lớp 3, vậy mà... Cháu mất rồi, lớp học buồn hiu hắt", bà Nguyễn Thị Soi (53 tuổi, chủ nhiệm lớp 2A3) nói bên chỗ ngồi của cậu học trò xấu số.
Hôm qua, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã truy tặng bằng khen cho Đông vì hành động dũng cảm của em.
6 trẻ chết đuối là nỗi ám ảnh của cả xã “Thời gian vừa qua tôi đi kiểm tra, thấy nhiều vụ trẻ đuối nước xảy ra trong gia đình, trường học, khu vui chơi rất thương tâm.... |