Vô tư lấy hình bác sĩ để… bán hàng
Bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung, Trưởng phòng khám Sản, Trung tâm Y tế Thái Hà đã không giấu nổi bức xúc khi phát hiện một số nhãn hàng tự tiện lấy hình ảnh và tên của bà để quảng cáo sản phẩm.
“Tôi không đại diện cho bất cứ sản phẩm nào. Mọi hình ảnh có tên và ảnh không có sự đồng ý của tôi đều là giả mạo. Đề nghị những đơn vị, cá nhân nào làm việc này yêu cầu chấm dứt ngay việc làm trên. Nếu trong vòng một tháng không chấm dứt việc làm này tôi sẽ tiến hành các biện pháp theo trình tự pháp luật”, bác sĩ Kim Dung bức xúc.
Theo bác sĩ Kim Dung, việc các địa chỉ bán hàng online ăn cắp hình ảnh bác sĩ không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của những người làm nghề y mà còn trở thành mối họa cho người dân, khiến người mua lầm tưởng bác sĩ đại diện hình ảnh cho sản phẩm, sản phẩm tốt và cứ thế mua mà không biết mình bị lừa đảo.
Điều đáng nói là không ít bác sĩ có thâm niên trong nghề từng lâm vào tình cảnh như thế.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, chuyên khoa Ngoại – Tiết niệu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) từng bị shop online sử dụng hình ảnh của anh để quảng cáo cho thuốc giảm cân lấy mác của Học viện Quân y.
“Nhiều bạn bè, người thân gọi điện cho tôi hỏi về việc này. Ai biết cũng đều gọi điện cho tôi hỏi tại sao. Cuộc sống của tôi cũng bị đảo lộn vì nhiều cuộc điện thoại đó.
Sản phảm của Học viện Quân y là tốt nhưng có một số nơi lợi dụng để bán hàng ăn theo, sử dụng hình ảnh một cách bậy bạ.
Tôi gửi mail cho đại lý đó, yêu cầu không sử dụng hình ảnh nữa nhưng thấy họ vẫn sử dụng. Kiện cáo rất mất thời gian mà lại không hiệu quả, tôi chỉ còn cách chia sẻ, cảnh báo người thân, bạn bè tránh xa những sản phẩm mượn hình ảnh trái phép đó”, Bác sĩ Đình Liên cho hay.
Nói ra sự thật, lập tức bị chặn Facebook
Người thân, bạn bè, người quen hay thậm chí chỉ là người theo dõi diễn viên, ca sĩ Lương Ngọc Dung trên Facebook cũng biết chị là người hoạt động nghệ thuật, chưa bao giờ dính một scandal tai tiếng nào, không chiêu trò mánh lới, cố gắng giữ hình ảnh và cặm cụi làm nghệ thuật một cách chân chính.
Là một nghệ sĩ hoạt động sạch, cho nên khi được mời đóng quảng cáo, chị cũng luôn phải cẩn trọng kiểm tra và hỏi kỹ nguồn gốc xuất xứ cũng như thành phần và tác dụng của sản phẩm thì mới dám nhận.
Vậy mà gần đây, chị vấp phải một tình huống khá oái oăm. Đó là bị shop online vô tư “mượn” hình ảnh để “câu khách”.
“Đây không phải là lần đầu tôi gặp tình huống này, cứ lần nào lên tiếng nói ra sự thật là shop lập tức chặn tôi trong vòng một nốt nhạc, không một lời xin lỗi, thậm chí cũng chẳng xóa ảnh tôi đi vì biết là chặn rồi thì tôi không thấy nữa...
Tôi cảm thấy ức chế vô cùng. Bởi không chỉ tôi mà còn rất nhiều anh chị em nghệ sĩ cũng thường xuyên bức xúc, ức chế vì việc bị sử dụng hình ảnh bừa bãi không xin phép và lừa dối người dùng như vậy.
Da tôi đẹp hay dáng tôi thon gọn đâu có phải do tôi dùng đồ của họ?? Sao lại coi thường khách hàng đến vậy?”, nữ diễn viên bức xúc bày tỏ.
Dừng dại dột làm “chuột bạch”
Về nguyên tắc, bất cứ một sản phẩm nào muốn sử dụng hình ảnh của ai để quảng bá đều phải xin phép, có sự đồng ý bằng văn bản. Nếu không sẽ bị kiện vì tội vi phạm luật bản quyền, sử dụng hình ảnh trái phép. Luật bảo hộ bản quyền có nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc nên mới xảy ra tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như thế!
“Sản phẩm sử dụng hình ảnh không xin phép thường là những sản phẩm kém chất lượng, điều nguy hiểm nhất là chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Tốt nhất muốn sử dụng một sản phẩm liên quan đến sức khỏe, chúng ta cần phải tới bác sĩ để được khám, tư vấn đầy đủ, tránh tự ý uống tùy tiện theo quảng cáo”, bác sĩ Nguyễn Đình Liên khuyến cáo.