Một buổi sáng thức giấc, chị bỗng thấy sao mình khốn khổ quá. Một đứa con 18 tháng tuổi ốm nhèo nhẽo trên tay mẹ, hai đứa mới 4 tuổi, 6 tuổi đang đứng đợi bữa sáng để kịp giờ đi học cùng bố. Thế nhưng thằng bé bám chặt bên hông mẹ mãi không chịu đứng xuống, làm sao chị có thể vào bếp, huống chi món định làm là spaghetti cần đến hai tay để băm nhỏ thịt bò, xào nấu rất phức tạp.
Chị đang không biết phải làm sao thì nghe chồng hỏi: “Sáng nay mình ăn món gì nhỉ?”. Chị bảo: “Em đã để thịt bò xuống ngăn mát từ đêm qua, định nấu món spaghetti mà giờ không thả được Bi ra”. “Là chỉ cần xào thịt bò rồi luộc mì lên thôi đúng không?”, anh hỏi. Chị gật đầu.
Chị thay bỉm và quần áo cho con thì đã nghe thấy tiếng dao băm thịt ngoài gian bếp. Chị đã nghĩ anh không làm giúp mình mà ra quán ăn bát phở cho tiết kiệm thời gian. Ngờ đâu anh làm thật. Rất nhanh chóng, trong khi đợi mì chín, anh đã băm xong thịt bò và chuẩn bị đặt một cái nồi thứ 2 để xào thịt. Ngó vào bếp, chị ngỡ ngàng thật sự, không tin được người chồng trước nay chỉ đợi vợ chuẩn bị bữa sáng lại có thể làm mọi việc "lành nghề" đến vậy.
Nhìn chảo mì, thịt bò băm chưa nhuyễn, cà chua cũng chưa nát, chị nhíu mày, định nhằn: “Sao anh không bằm thịt cho thật nhỏ, còn bao nhiêu miếng to đây này”, nhưng bỗng nhiên như có cái gì đó ngăn lại.
Chị không nói gì, lấy mì ra đĩa, cho thêm xíu tương cà theo ý thích của các con và hứng khởi gọi to: “Xin giới thiệu, đây là món mì spaghetti made by daddy”. Hai đứa nhỏ chạy lại, cười lớn: “Oa, món này bố làm cơ à?”.Miếng thịt bò to có thể dùng kéo cắt nhỏ để bọn trẻ dễ ăn hơn, chúng cũng không phàn nàn gì. Bỗng nhiên chị vui lạ kỳ. Thay vì để có món ăn đúng chuẩn theo suy nghĩ và cách làm của chị nhưng khiến cả nhà căng thẳng, đuổi nhau sấp ngược cho kịp giờ thì món chồng nấu tuy khó ăn một chút mà nhẹ nhàng, vui vẻ, thật thích hơn nhiều. Hóa ra, chị không phải là người duy nhất trong nhà biết làm tất cả mọi thứ. Và khi chị bớt nhíu mày, phàn nàn thì kết quả thế nào cũng chẳng sao, thậm chí còn tuyệt hơn!
Nghĩ lại từ trước đến nay, anh vẫn sẵn sàng làm mọi việc giúp vợ nếu chị cần anh giúp. Như có lần chị cho con ti rồi ngủ quên, khi thức dậy đã thấy nhà cửa sạch bóng, bát đĩa úp ráo nước trên giá và hai con lớn không có mẹ vẫn ôm nhau tự ngủ ngon lành. Trước đó chị nói với anh hôm nay nhiều việc khiến em mệt và buồn quá. Hay như những lần chị bảo, anh ơi em không biết phải tính sao đây, thì anh chẳng khác gì ông Bụt hiện ra hoạch định rõ ràng khoản này khoản kia hay ứng xử ra sao trước một mâu thuẫn giữa chị với đồng nghiệp. Cũng nhiều lần chị gào lên mỏi mệt kêu mình không nấu nổi cơm, anh nhắn lại nhỏ nhẹ: “Thì đợi anh mua cái gì bên ngoài về ăn!”.
Chị bỗng nhận ra mình đâu nhất thiết phải lấy tất cả nghĩa vụ, trách nhiệm làm gánh nặng, rồi xù lông, gồng lên quát mắng chồng con thường xuyên. Chỉ cần suy nghĩ đơn giản một chút thôi, bớt nhíu mày đi thì cuộc sống sẽ thênh thang ấy mà. Thậm chí đôi khi chị thấy anh làm nhiều việc còn tốt và chỉn chu hơn chị gấp nhiều lần. Này nhé, anh gấp chăn gối vuông vức như kỷ luật quân đội, anh hấp cá còn ướp nước mắm, ớt cay rất đầy đủ trước khi đặt lên xửng thay vì chị chỉ bỏ thẳng vào nồi…
Chị bỗng nhớ ra, từ 7 tuổi anh đã được dạy nấu ăn cho cả nhà. Nhưng chỉ khi yêu và lấy vợ, được chị làm cho hết nên anh không có dịp trổ tài đó thôi. Phát hiện về khả năng của anh khiến chị ngỡ ngàng rất nhiều. Là chị đã không cho anh cơ hội thể hiện và cho mình được nhẹ gánh đi.
Chị mơ hồ nhớ lại những lần cáu loạn xị cả nhà cũng vì quá ôm đồm mọi việc từ cơm nước, tắm giặt cho con, dọn dẹp nhà cửa hay dạy con học bài mà không chia sẻ với chồng. Khi ấy nhìn chị xấu xí, đáng sợ hệt như sư tử Hà Đông, khiến mấy bố con khiếp vía dạt vào một góc. Giờ chị không còn nhíu mày nếu chồng nói “em để đấy anh làm cho” mà lặng lẽ nghe lời ngồi yên một góc, để anh được thể hiện bản lĩnh đàn ông.
Chị sẽ chuyện trò với chồng trong lúc anh rửa bát hay dọn nhà. Chị cũng không nhiếc móc “anh làm không nên thân, không bằng em làm rốn việc” mà nhẩn nha nhìn những việc đó được giải quyết bằng tư duy của người đàn ông thì thế nào. Không ít lần chị phải ồ, à vì ngạc nhiên.
Vậy ra cuộc sống hạnh phúc, thênh thang với 3 đứa con đâu phải là điều gì quá khó. Quan trọng là chị có dũng cảm để thay đổi thái độ sống của mình hay không mà thôi. Thay vì chỉ nhìn vào những điểm yếu của chồng, khinh thường khả năng của anh và đề cao sức dài vai rộng của chính mình, nay chị đổi lại yếu mềm làm phận nữ nhi mong manh.
Thả lỏng bản thân và cho phép người khác được giúp đỡ mình, dù kết quả không như ý cũng vui vẻ chấp nhận. Đó là khi chị biết mình đang yêu thương bản thân nhiều hơn, được nghỉ ngơi và đi đúng đường để làm một người vợ, người mẹ hạnh phúc. Bớt đi những mong cầu, hằn gắt và chọn lấy bình yên, đời bỗng nhẹ nhàng biết bao.