Tối 4/11, xe tải do người đàn ông 45 tuổi (quê Bình Dương) điều khiển va chạm với xe máy chở anh Nguyễn Thắng Lợi (25 tuổi) và Trần Tấn Hà (22 tuổi, cùng quê Long An) tại khúc cua tay áo thuộc đèo Bảo Lộc, đoạn qua huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.
Vụ tai nạn khiến 2 người ngồi trên xe máy tử vong tại chỗ. Tài xế ôtô bỏ trốn khỏi hiện trường.
Sáng 9/11, công an cho biết đã xác định được tài xế và chiếc xe tải liên quan vụ tai nạn. Cơ quan điều tra đã khám nghiệm chiếc ôtô, đồng thời triệu tập lái xe tới làm việc.
Trường hợp này, người lái xe có thể bị xử lý ra sao?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) đánh giá một trong những yếu tố làm phát sinh trách nhiệm dân sự và hình sự (nếu có) của các bên trong tình huống này là việc có hay không yếu tố lỗi dẫn tới việc tính mạng, tài sản của người khác bị xâm phạm. Ông nhận định trong vụ tai nạn này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân vụ cũng như yếu tố lỗi của các bên.
Dưới góc độ dân sự, nếu lỗi hoàn toàn thuộc về lái xe tải, người này có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do tài sản và tính mạng của nạn nhân. Còn nếu đây được xác định là tình huống bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về người lái xe máy, tài xế sẽ được miễn trách nhiệm bồi thường.
Đối với trường hợp xác định vụ tai nạn có lỗi hỗn hợp, tài xế xe tải sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với phần lỗi do mình gây ra.
Dưới góc độ hình sự, luật sư cho biết công an sẽ khám nghiệm, làm rõ nhiều yếu tố như thời điểm tài xế phát hiện chiếc xe máy là khi nào; tốc độ, khoảng cách giữa 2 phương tiện thời điểm trước va chạm là bao nhiêu hay đây có phải tình huống bất ngờ với tài xế không. Ngoài ra, với việc tại hiện trường ghi nhận vết phanh ôtô, công an sẽ xác minh xem người này đã xử lý tình huống như thế nào, đã đạp phanh chết, đánh lái hay sử dụng các biện pháp tối ưu nhằm giảm thiệt hại chưa.
Trường hợp xác định đây là tình huống bất khả kháng (xe máy xuất hiện bất ngờ, đi tốc độ cao, lái xe đã xử lý bằng cách tốt nhất nhưng không tránh được va chạm) hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về người đi xe máy, tài xế xe tải sẽ được miễn trách nhiệm hình sự. Nếu xác định có yếu tố lỗi của tài xế, người này có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Cùng bình luận vụ việc, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình) cho biết theo Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện sau khi gây tai nạn có nghĩa vụ dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Ngoài ra, họ phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu; phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.
Từ quy định này, ông Hùng cho rằng tài xế có trách nhiệm ở lại hiện trường cho tới khi cơ quan chức năng tới, trừ trường hợp họ phải đưa nạn nhân đi cấp cứu, trực tiếp đi cấp cứu hoặc tới trụ sở công an trình báo do bị đe dọa. Nếu không thuộc tình huống này, việc lái xe rời hiện trường là hành vi vi phạm pháp luật.
Trích dẫn khoản 8, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, luật sư cho biết người có hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn có thể đối diện mức phạt 16-18 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu vụ việc có yếu tố hình sự, cơ quan chức năng sẽ xác định hành vi rời khỏi hiện trường của tài xế có nhằm bỏ trốn hoặc cố tình không cứu giúp nạn nhân không. Nếu có yếu tố này, việc tài xế rời đi sẽ là tình tiết định khung để xử lý người này theo khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự với mức phạt là 3-10 năm tù.