Sau phiên tòa bị hoãn hồi đầu tháng 7, TAND TP Hà Nội vừa mở lại phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Văn Bằng (SN 1970, trú tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cáo trạng cũng như diễn biến phiên tòa cho thấy, Nguyễn Văn Bằng đã lừa đảo hàng chục cá nhân bằng thủ đoạn “chạy” việc làm hoặc chuyển công tác; xin biển số xe ô tô đẹp; lừa thuê xe rồi bán cho người khác hoặc lừa cho thuê xe dài hạn để chiếm đoạt tiền đặt cọc…
Tháng 2/2017, bà Nguyễn Thị Thu H. (SN 1975, ở Hà Nội) muốn tìm mối để được cấp biển số xe ô tô “299.99”. Thông qua anh Nguyễn Thiên Bắc và anh Phạm Trọng Bình, bà H. gặp Bằng. Bằng đồng ý và nói chi phí là 20.000 USD. Bà H. sau đó đưa trước cho Bằng 230 triệu đồng.
Vài ngày sau, Bằng cho anh Bình xem đơn xin đề nghị tạo điều kiện cấp biển số xe có chữ ký của cơ quan chức năng. Do tin tưởng, anh Bình tiếp tục nhờ Bằng cấp biển số đuôi “399.99”, “688.88” với số tiền lên đến 900 triệu đồng và đuôi “888.99” với chi phí 450 triệu đồng.
Sau một thời gian, Bằng nói chỉ lấy được biển “E” và đặt mua ở “chợ trời” 3 bộ biển số có các số đuôi nêu trên giao cho anh Bình, đồng thời hẹn chờ lấy giấy tờ sau.
Nghi ngờ 3 bộ biển trên là giả, anh Bình truy cập vào hệ thống biển số xe ô tô đã được cơ quan chức năng cấp phát thì phát hiện các biển số này đã được đăng ký tên người khác. Bị đòi lại tiền, Bằng mới trả lại được khoảng 1 tỷ đồng và còn chiếm đoạt 506 triệu đồng của các bị hại.
Với chiêu lừa thuê ô tô rồi đem bán, giữa năm 2017, Nguyễn Văn Bằng thuê xe ô tô của Công ty TNHH Ngô Minh rồi mang bán. Bị cáo lựa chọn dòng xe như Honda CRV, Mercedes Benz rồi đem bán với giá từ 550 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bằng còn thuê xe ô tô rồi cho người khác thuê lại dài hạn (khoảng 1 năm) để nhận tiền đặt cọc từ 400 triệu đồng đến 550 triệu đồng. Sau đó, Bằng lấy lý do cần phải đưa xe đi kiểm tra định kỳ để lấy lại xe và trả cho công ty thuê xe nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc của các bị hại.
Một vụ việc khác, khoảng tháng 8/2017, ông Đỗ Minh Đ. có nhu cầu mua xe ô tô nhập khẩu nên hỏi Bằng. Mặc dù không có nguồn nhập nhưng bị cáo vẫn nại ra việc có xe ô tô nhãn hiệu Lexus nhập khẩu bản full giá trị 2,7 tỷ đồng và hẹn 45 ngày giao xe. Ông Đ. sau đó đồng ý đặt cọc 1 tỷ đồng. Nhận tiền xong, bị cáo không thực hiện và khất lần…
Ngoài ra, cáo trạng truy tố cũng xác định, thông qua người quen, ông Hoàng Công V. (ở Nghệ An) nhờ Bằng xin cho con trai vào làm việc tại Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an. Bằng cam kết sẽ xin được việc làm cho con trai ông V. với chi phí 1 tỷ đồng.
Sau khi ông V. chuyển tiền, Bằng hẹn con trai bị hại đi khám sức khỏe và chờ quyết định tuyển dụng của cơ quan chức năng. Một thời gian sau, bị cáo hẹn nạn nhận đến nhà riêng và cho xem bì thư đề tên Cục Cảnh sát giao thông, có đóng dấu niêm phong gửi cho con trai nạn nhân.
Bị cáo sau đó tiếp tục báo cho bị hại tin mừng là có quyết định tuyển dụng nhưng phải công tác tại khu vực Tây Bắc và nếu muốn công tác ở Hà Nội hoặc Nghệ An phải chi tiếp 200 triệu đồng. Ông V. đồng ý chuyển tiền nhưng mọi việc bất thành và bị Bằng chiếm đoạt tiền lần thứ hai.
Với cách thức nêu trên, Bằng cũng đã lừa đảo thêm nhiều người có nhu cầu xin việc vào cơ quan nhà nước.
Cơ quan tố tụng xác định, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2017, Bằng đã nhận số tiền 23,3 tỷ đồng của 44 bị hại.
Sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Văn Bằng 20 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố, xét xử.