Thủng phổi vì hít phải bóng đèn led
Vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã phẫu thuật cắt bỏ thùy dưới phổi phải cho bé T.H.L. (6 tuổi, nhà ở Tiền Giang) để xử lý chiếc đèn led bám chặt vào mô phổi. Chiếc đèn led này đã hành hạ đường hô hấp của bé L. trong suốt một năm qua.
Qua tìm hiểu bệnh sử, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã hoảng hốt khi biết bé L. nuốt dị vật từ rất lâu nhưng người nhà chỉ đưa bé đi khám tại các phòng khám tư hoặc tự mua thuốc viêm phổi về cho con uống.
Đến ngày 19/12 vừa qua, khi bé liên tục bị ho đàm, nóng sốt, nôn ói, hơi thở có mùi hôi,… dường như không còn chịu nổi, cha mẹ mới đưa lên bệnh viện kiểm tra. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bé L. bị dị vật đường thở kéo dài.
Bất ngờ hơn, khi dị vật là bóng đèn led, loại thường được sử dụng trong đồ chơi trẻ em, bám chặt vào niêm mạc khiến phế quản bị chảy máu nhiều, kèm theo đàm, mủ và mô hạt. Buộc các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng và khoa Ngoại Lồng ngực phải hội chẩn khẩn để đưa ra phương pháp xử lý tốt nhất.
Ngày 22/12, bé L. được chụp CT-scan ngực. Đến 19 giờ cùng ngày, bé được đưa vào phòng mổ với chỉ định cắt bỏ thùy dưới phổi phải để xử ý dị vật.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Kinh Bang, Phó khoa Ngoại Tổng hợp của Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận định, trong khoang màng phổi của bé L., thùy dưới phổi phải đã viêm xẹp gần như hoàn toàn, có một lỗ thủng khoảng 0,5 cm.
“Khi chúng tôi dùng tay để thám sát, phát hiện dị vật nằm trong lòng phế quản, buộc phải cắt bỏ thùy dưới phổi phải vì bóng đèn led đã bám quá chặt vào nhu mô phổi. Đến 21g50, bé L. được chuyển đến khoa hồi sức ngoại.
Hiện tại, bé L. đã tỉnh, ăn uống được, tiêu tiểu bình thường, nếu bệnh của bé tiến triển tốt như bây giờ, bé có thể xuất viện trong thời gian tới”, bác sĩ Bang cho biết thêm.
Theo bác sĩ Bang, tuy dị vật đã được xử lý nhưng bé L. có thể gặp những biến chứng về sau này do vết mổ hở gây ra, như có thể biến dạng lồng ngực gây ra hình dạng ngực thay đổi theo.
Trước đó, khi bác sĩ Bang khai thác về bệnh sử của bé L., mẹ bé nói rằng một năm trước, trong lúc bé L. đang chơi đồ chơi thì bỗng nhiên bị ho sặc sụa, người tái tím một lúc rồi quay về trạng thái bình thường nên người lớn cũng đỡ lo lắng hơn.
Tuy nhiên, sau cơn ho đó, bé L. liên tục bị khò khè, ho đàm ngày một nhiều, bé có thể ăn uống, đi vệ sinh bình thường nhưng tần suất nôn ói mỗi ngày một tăng. Gia đình có đưa bé đi khám nhiều nơi, nhưng ở những cơ sở y tế đó đều chẩn đoán bé L. bị viêm phổi, viêm phế quản và cho thuốc uống.
Suốt một năm trời bé L. phải mệt mỏi, thở khó, cho đến khi bé nói với mẹ, bé từng nuốt phải bóng đèn của xe đồ chơi, cha mẹ bé mới tá hỏa đưa con đến bệnh viện để kiểm tra.
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết: “Với bất kỳ trẻ em nào, bỗng nhiên bị ho sặc sụa, ho tái tím mà xung quanh là đồ chơi, hạt, hay có những vật nhỏ, cha mẹ hãy nghi ngờ ngay đến việc con mình bị dị vật đường thở.
Khi bé dừng ho, thở lại bình thường, cha mẹ cũng không nên bỏ qua tình huống này. Có thể dị vật rơi vào một nơi khác trong đường thở chứ chưa thể đi ra ngoài, như trường hợp của bé L.. Lúc này, cha mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để bé được kiểm tra và xử lý dị vật. Nếu được phát hiện sớm, dị vật của bé sẽ được xử lý khá đơn giản, càng để lâu, dị vật gây ra hậu quả càng nặng nề”.
Bác sĩ Hiếu khuyến cáo, trong những dịp cuối năm, cha mẹ thường bận rộn, nhưng khi cho trẻ ăn uống, hay vui chơi, nên để trẻ chơi trong tầm quan sát của người lớn, nhất là khi trẻ ăn các loại hạt hay sử dụng những đồ chơi có thể nở to trong nước. Những loại đồ chơi này rất nguy hiểm vì độ giãn nở nhanh, chèn ép đường thở khiến người lớn không kịp trở tay, gây ra những tai nạn đáng tiếc.
Cắt nhầm 2 quả thận, bệnh viện nói vô can Phía bệnh viện chỉ đồng ý hỗ trợ gia đình bệnh nhân và nâng mức tiền từ 50 triệu lên 200 triệu đồng. |
4 trẻ sơ sinh tử vong liên quan nhiễm khuẩn bệnh viện Đến chiều 21-11, kết luận sơ bộ ban đầu của Viện Khoa học kỹ thuật hình sự và các chuyên gia nhi khoa, nguyên nhân gây tử vong 4 t... |