Ngày 31-3, Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo thường kỳ.
Tại họp báo, tình trạng một số hộ dân nuôi cả đàn chó vài chục con gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh được báo chí quan tâm đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết: Việc nuôi chó là sở thích, quyền của người dân, nhưng phải đảm bảo các quy định của pháp luật.
Theo ông Chinh, trong Điều 66 Luật Chăn nuôi quy định rất rõ về quản lý nuôi chó, mèo. Đó là người nuôi chó, mèo phải thực hiện tiêm phòng cho chó, mèo; phải kiểm soát được bệnh dại, khi chó, mèo có hiện tượng bị bệnh dại phải báo ngay cho chính quyền địa phương; khi nuôi phải đảm bảo an toàn cho con người, vật nuôi, đồng thời phải giữ gìn vệ sinh môi trường và đảm bảo điều kiện về vệ sinh thú y. Trường hợp chó, mèo cắn người hay vật nuôi của người khác gây thiệt hại thì phải đền bù theo quy định.
Tuy nhiên, ông Chinh cũng cho biết hiện trong Luật Chăn nuôi vẫn chưa coi chó, mèo thuộc nhóm vật nuôi gia súc, gia cầm mà nằm trong nhóm danh mục động vật khác, cũng vì vậy mà không thể quy về đơn vị vật nuôi, không thể kết luận nuôi chó đến 80 con, 100 con là nuôi nông hộ hay trang trại.
“Bộ NN&PTNT đang xây dựng thông tư về quản lý các vật nuôi khác, trong đó có chó, mèo. Trong thông tư này, việc nuôi chó, mèo sẽ có những quy định cụ thể hơn về điều kiện, mật độ nuôi, mức xử phạt…” - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay.
Trước đó, PLO đã nhận được nhiều phản ánh của người dân bày tỏ về những mệt mỏi, bức xúc vì sống cạnh những nhà hàng xóm nuôi nhiều chó, có hộ nuôi đến 82 con chó. Mùi hôi, tiếng ồn chó sủa… khiến các gia đình xung quanh lo lắng đến sức khoẻ của mình. Người dân ở những khu vực này đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương tiếp nhận nhưng cũng gặp khó trong xử lý, vì chỉ có thể xử phạt về hành vi gây ô nhiễm môi trường với việc xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật. Xử phạt xong thì đàn chó vẫn ở đó vì hiện nay chưa có quy định việc gây ô nhiễm mà phải di dời cả đàn chó đi nơi khác.