Khi chúng ta nghĩ về môi trường học tập và vui chơi cho con mình, mọi người thường không nghĩ đến việc để chúng chơi với những vật sắc nhọn hay dễ cháy. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng người lớn đang vô tình làm hại trẻ bằng cách không cho chúng vui chơi trong môi trường được cho là "nguy hiểm".
"Chơi rủi ro" là để chỉ các môi trường tự nhiên không được sắp đặt hay bố trí, có thể tiềm ẩn yếu tố nguy hiểm. Nó bao gồm chạy nhảy trên những địa hình không bằng phẳng, chơi với độ cao hoặc tốc độ nhanh, chơi với các vật nguy hiểm (như lửa), hoặc chơi ở những nơi trẻ em có thể "biến mất" hoặc bị lạc.
Làm cha mẹ, chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giữ cho con được an toàn. Chúng ta không muốn con bị bất cứ tổn thương nào hoặc bị lạc cả, đặc biệt là khi trẻ em chưa hiểu hết ý nghĩa của các lời nhắc "Hãy cẩn thận".
Nhưng nghiên cứu mới đây cho biết việc bố mẹ vượt qua những nỗi lo lắng và để cho trẻ tự quản lý nguy cơ khi chơi ngoài trời, tham gia các trò chơi mạo hiểm thực chất lại mang lại rất nhiều lợi ích.
1. Vui chơi mạo hiểm giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, khả năng sáng tạo và sự bền bỉ
Thông qua các hoạt động này, trẻ có thể thực hành khả năng đánh giá mức độ rủi ro. Chúng sẽ tự học được những gì an toàn và những gì không an toàn. Chúng có thể tự đưa ra các đánh giá một cách nhanh chóng. Việc chơi ngoài trời ở nơi có yếu tố rủi ro mang đến một môi trường độc đáo, cho trẻ biết cách hoạt động của thế giới, học cách làm việc và hợp tác với người khác và tìm giải pháp sáng tạo cho các vấn đề.
2. Giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng và sự tự tin
Nếu một đứa trẻ không được phép tham gia vào các hoạt động được coi là nguy hiểm, trẻ có thể sẽ nghi ngờ về khả năng của mình.
Trẻ em được tham gia và vui chơi nguy hiểm sẽ có thể trải nghiệm những cảm xúc tích cực như vui vẻ, hưng phấn, tự hào và tự tin. Bằng cách cho phép trẻ tham gia vui chơi nguy hiểm, chúng ta cho con thấy rằng chúng ta tin tưởng con và rằng con có khả năng giải quyết vấn đề một mình. Điều này có thể có những ảnh hưởng tích cực đến sự tự trọng và tự tin của trẻ.
3. Ngăn chặn trẻ vui chơi có yếu tố nguy hiểm có thể mang đến những hậu quả tiêu cực không mong đợi
Ngoài ra, trẻ không được tiếp xúc với những trò chơi mạo hiểm có thể cảm thấy không tự tin và dễ bị tổn thương hơn. Sự thiếu tự tin này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng theo những cách khác, bao gồm hành vi lười biếng, lo lắng và sợ sệt.
4. Vui chơi có yếu tố mạo hiểm an toàn hơn chúng ta nghĩ
Chúng ta muốn con cái chúng ta có được những lợi ích đi kèm với những rủi ro mà không cần đưa bất cứ ai đến phòng cấp cứu. Nhưng môi trường ngoài trời không phải "nguy hiểm" như chúng ta nghĩ.
Trong quá trình nghiên cứu đã không có thương tích nghiêm trọng (ở đầu và cột sống) nào xảy ra. Trên thực tế, tỷ lệ thương tật ở sân chơi ngoài trời có yếu tố rủi ro thấp hơn các môn thể thao và vận động, chỉ ở mức từ 0,15-0,17 lần bị thương trên 1.000 giờ chơi, điều này có nghĩa là bóng chày hoặc bóng đá có thể nguy hiểm hơn các hoạt động khác được coi là mạo hiểm.
Hoạt động mạo hiểm rất tốt đối với sức khỏe thể chất và xã hội của trẻ, một phần vì nó thúc đẩy lối sống lành mạnh, năng động và tăng thời gian chơi.
5. Các bé gái ít được hưởng những lợi ích của trò chơi mạo hiểm hơn
Một phát hiện thú vị khác từ những nghiên cứu này đó là chính chúng ta đang dạy các bé gái phải sợ hãi. Cha mẹ của các em trai có xu hướng khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động có yếu tố rủi ro hơn là cha mẹ của các bé gái.
Nuôi dạy con trai thường cho phép các ranh giới khám phá lớn hơn và ít bị hạn chế hơn so với nuôi dạy bé gái. Các bé gái đang được dạy rằng chúng dễ bị tổn thương hơn nam giới. Điều này có nghĩa là các bé gái ít có cơ hội trải nghiệm những lợi ích xã hội và thể chất đi kèm với những trò chơi nguy hiểm. Rõ ràng đây là một đặc điểm mà chúng ta cần phải cải thiện.
Trẻ em phát triển tốt nhất, bố mẹ nên giáo dục và khuyến khích chúng chấp nhận những thách thức thay vì cố gắng che chở chúng. Khi chúng ta cho phép con mạo hiểm, con thậm chí có thể làm người lớn ngạc nhiên với cách con phát triển của chúng khi được tin tưởng.