Điện thoại cho con gái nhiều lần không được, bà Nhung quyết định bỏ hết công việc ở quê lên thành phố để xem sự tình thế nào. Bấm chuông một lúc lâu, con rể - Nhân mới ra mở cửa. Anh hơi ngạc nhiên vì bà lên không báo trước. Vừa thấy con rể, bà Nhung liền gặng hỏi.
- Con Hiền đâu rồi con? Sao mấy hôm nay mẹ không gọi được cho nó. Làm mẹ sốt ruột quá.
Anh chưa kịp trả lời thì chị trong nhà bước ra. Thấy con gái đi khập khiễng, chân tay đều có vết trầy bà liền hỏi.
- Con bị làm sao vậy?
Chị cười gượng, ấp a ấp úng một hồi rồi mới nói.
- Hôm qua đi làm về trời mưa, đường trơn trượt nên con bị té xe. Mà không sao đâu mẹ, vết thương nhẹ thôi à.
Anh đứng bên cạnh liền lên tiếng.
- Mẹ vào nhà chơi với vợ con. Giờ con xin phép đi làm, hôm nay con có cuộc họp sớm.
Nói xong anh phóng xe rời đi. Từ những ngày đầu chị đưa anh về ra mắt gia đình, bà Nhung vô cùng hài lòng và quý mến đứa con rể này. Anh vừa giỏi giang lại vừa biết nắm bắt tâm lý của người khác. Mỗi lần về quê thăm bà, anh tay xách nách mang biết bao nhiêu là quà cáp, nhân sâm tẩm bổ cho ba mẹ vợ. Cũng chính vì vậy mà bà Nhung thương anh nhất trong hội con rể của mình.
Ở nhà con gái chơi một thời gian, thấy tình cảm giữa con gái mà con rể có phần khá lạnh nhạt. Bà liền lên tiếng khuyên bảo chị.
- Vợ chồng con cứ đi làm suốt như vậy. Sao có thời gian hâm nóng tình cảm, rồi thời gian đâu lo cho bé Hân nữa?
- Không sao đâu mẹ. Con vẫn cố gắng lo cho con bé. Mẹ yên tâm đi.
Bà Nhung thở dài.
- Con cưới được thằng Nhân là phúc đức ba đời đó. Nó hiền lành, lại chịu khó làm ăn, yêu thương vợ con. Cố gắng mà giữ kẻo có người khác cướp mất rồi có hối hận cũng không kịp đó.
Chị gượng cười rồi lẩm bẩm.
- Đúng rồi… Anh ấy tốt lắm…
Bà bỗng giận dỗi khi thấy thái độ bất cần của chị.
- Mẹ nói mà mày không nghe sau này đừng có trách mẹ.
Nói xong bà bỏ ra phòng khách, chị cố nén nỗi đau không thể khóc trước mặt mẹ. Bà Nhung ở chơi hai ngày, Nhân vẫn tỏ ra là một người chồng, người cha tốt, đối xử với mẹ vợ lại rất ân cần, chu đáo. Bà Nhung thầm cảm tạ trời đất đã ban cho mình một người rể hoàn hảo như thế này.
Một hôm, bé Hân vô tình làm bể chai rượu vang đỏ mà đồng nghiệp tặng cho Nhân. Con bé sợ hãi ngồi co ro trong góc tường. Bà Nhung hoảng hồn chạy lại hỏi con bé.
- Con sao vậy? Sao con lại ngồi đây?
Bé Hân chỉ vào chai rượu vương vãi trên đất, miệng lắp bắp không nói gì. Bà Nhung tiếp tục hỏi.
- Con làm bể chai rượu hả?
Con bé gật đầu vẫn không dám nói. Bà ôm nó vào lòng rồi an ủi.
- Không sao đâu con. Bể rồi ba mua chai mới.
Bà dắt con bé lên phòng khách. Dỗ dành mãi một lúc sau, bé Hân mới chịu mở lời.
- Con sợ ba đánh con. Ba thường đánh khi con và mẹ làm điều gì không vừa ý ba.
Bà vô cùng ngạc nhiên.
- Không có đâu. Ba con sẽ không đánh con đâu.
- Ba không thương con và mẹ. Mỗi lần đánh mẹ, ba thường chửi mẹ không biết đẻ con trai. Ba không muốn nhìn mặt con. Ba còn nói con là con gái không làm được gì.
Bây giờ bà mới nhận ra rằng những vết thương trên người chị là kết quả của những trận bạo hành do con rể quý hóa của bà gây ra. Tim bà như thắt lại, nghẹn ngào không nói nên lời. Bà đã từng vui mừng khi có con rể quý nào ngờ anh ta chỉ là một tay vũ phu chuyên đánh đập vợ con.
Chiều hôm đó, bà tạm lánh mặt, Nhân trở về thấy mất một chai rượu quý liền lôi bé Hân ra đánh rồi đánh luôn vợ. Bà tức tối lao ra tát vào mặt anh một cái như trời giáng. Anh cũng hốt hoảng, xấu hổ và cúi gằm mặt không nói được lời nào. Bà Nhung lên tiếng.
- Từ nay tao đưa vợ con mày về quê để tránh xa thứ đàn ông vũ phu như mày. Đừng nghĩ mình có chút địa vị ở ngoài rồi về đánh đập vợ con.
Anh cũng tức giận nói hết những ấm ức trong lòng.
- Đàn bà như cô ta không đẻ được con trai thì xứng đáng được đối đãi như vậy. Tôi chưa ly hôn là may mắn lắm rồi đó.
Bà Nhung chết lặng. Chị ôm con ngồi gục xuống đất. Có lẽ sự việc này đã quá quen thuộc rồi nên chị cũng không buồn rơi giọt nước mắt nào. Chỉ có bé Hân là khóc nức nở. Con bé còn quá nhỏ để phải chịu đựng nỗi đau này.
Không nói nhiều với đứa con rể tệ bạc, bà Nhung gom đồ đạc và đưa mẹ con chị về quê sống. Bà không cho phép người đàn ông khác đối xử với con gái mình như vậy. Bà cũng là đàn bà, bà hiểu được hết thảy những nỗi đau mà con gái phải chịu đựng. Thay vì khuyên con cố nhẫn nhịn, bà thẳng thắn đề nghị cả hai chia tay để chị đi tìm hạnh phúc khác. Tội gì cứ mãi hy sinh vì một người không xứng đáng.