Ông Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: "Chúng ta đều biết, số giờ ngủ của học sinh là rất quan trọng trong việc học tập, điều này đã có nghiên cứu rất kỹ. Số giờ ngủ không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của học sinh".
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, không chỉ học sinh ở Việt Nam mà ở nhiều nước có xu hướng ngủ muộn. Việc đi học sớm sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như kết quả học tập.
"Việc này còn tùy theo từng địa phương, theo mùa, thời tiết. Ví dụ như ở châu Âu học sinh, sinh viên học rất muộn. Ở Việt Nam cũng vậy, giữa thời tiết mùa đông và mùa hè khác hẳn nhau. Việc thứ hai là liên quan tới giờ làm của cha mẹ, giờ hành chính của các địa phương, tùy nơi, ở các khu công nghiệp...", ông Hoàng Minh Sơn cho hay.
Theo quy định phân cấp của Nhà nước, việc quyết định giờ học là của địa phương. Cơ bản trong thời gian qua, các địa phương đã quy định tương đối phù hợp.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, vừa rồi cũng có nhiều ý kiến, đặc biệt từ ý kiến của phụ huynh khu vực TP. Hồ Chí Minh khi Sở có quyết định điều chỉnh khung thời gian vào học.
"Chúng tôi thấy cái gì chưa hợp lý như giờ học ảnh hưởng đến sức khỏe, kết quả học tập, gây khó khăn đi lại, giờ làm thì nhất thiết cần phải điều chỉnh. Cách làm của TP. Hồ Chí Minh là khảo sát ý kiến theo đa số là 93% đồng thuận theo tôi là hợp lý", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu quan điểm.
Cuối cùng, người phát ngôn tại buổi họp báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, tùy theo địa phương, tình hình giao thông mà các địa phương cũng nên có khảo sát đánh giá kỹ. Trong trường hợp liên quan đến giao thông như ở Hà Nội theo Bộ là ưu tiên giờ của học sinh trước; tiếp đó có thể tính toán điều chỉnh giờ làm việc của công viên chức.