Lãnh đạo Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bình Dương) cho biết, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra nhiều vỡ hụi với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.
Theo báo cáo, từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan điều tra đã tiếp nhận hơn 200 nguồn tin về tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến chơi hụi. Trong đó, có bị hại tố giác bị chủ hụi chiếm đoạt gần 2 tỉ đồng.
Đáng chú ý, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với các đơn tố giác của gần 80 người dân cùng tố giác bà Tạ Thị D (Chủ hụi ở thị xã Tân Uyên, Bình Dương) có hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản.
Công an cũng đang điều tra, xác minh đơn tố giác của 23 người dân cùng tố giác bà Nguyễn Thị Thùy T và ông Nguyễn Thanh L (chủ hụi) cùng cư trú tại khu vực TP Thủ Dầu Một, có hành vi chiếm đoạt tài sản gần 4 tỉ đồng thông qua việc tổ chức chơi hụi.
Cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh để xác định có hay không có tội phạm để ra quyết định khởi tố vụ án hay không khởi tố vụ án.
Chị H (thị xã Tân Uyên, Bình Dương), là một trong số các nạn nhân trong vụ vỡ hụi của bà Tạ Thị D, cho biết, bà D là người địa phương, sinh sống ở đây lâu năm nên mọi người tin tưởng tham gia vào dây hụi.
Những người dân tham gia các dây hụi đều là những tiểu thương buôn bán nhỏ và một số người dân khó khăn.
“Khi nghe tin vỡ hụi, nhiều người rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Số tiền tiết kiệm được đều đổ vào hụi nên ai cũng lo lắng muốn lấy lại số tiền của mình”, chị H cho biết.
Chị H cho biết thêm: “Không ai muốn phải tố cáo, mọi người chỉ muốn lấy lại tiền tiết kiệm của mình. Nhưng cực chả đã nên mới phải làm vậy”.
Vụ việc bà D bị vỡ hụi xảy ra vào cuối năm 2021, thời điểm đó bà D thừa nhận với cơ quan công an là đang quản lý 51 dây hụi, mỗi dây có từ 10 đến 25 người tham gia. Mỗi người đóng từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, dưới hình thức đóng hụi nửa tháng và 1 tháng. Thời điểm đó, bà D thiếu nợ các dây hụi khoảng 10 tỉ đồng.
Còn chị T cũng là một nạn nhân trong vụ vỡ hụi khác cho biết, trong vụ việc của chị thì chủ hụi cố tình tạo lòng tin rồi lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng trăm người.
Theo chị T trước khi tham gia hụi, chị cũng tìm hiểu kỹ chủ hụi ở đâu, có uy tín hay không. Khi thấy người này cũng có uy tín nên mới tham gia.
Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng tham gia, chủ hụi tuyên bố vỡ hụi không trả tiền cho mọi người. Mỗi người bị mất số tiền từ vài trăm cho đến cả tỉ đồng. Riêng chị T bị mất khoảng 400 triệu đồng.
“Khi vỡ hụi tôi mới biết người này cố tình tạo hình ảnh giàu sang, để tạo lòng tin cho mọi người. Ban đầu trả tiền rất đúng cam kết với số lãi cao, nhưng khi mọi người “ham” đổ tiền vào chơi nhiều thì người này tuyên bố vỡ hụi”, chị T cho biết.
Tuy cố tình lừa đảo nhưng chủ hụi lợi dụng kẽ hở của pháp luật nên cố tình không trả. Khi các con hụi đến đòi thì né tránh và còn nói thẳng sẽ không trả tiền.
Chị T cho biết thêm, hàng trăm người đã làm đơn tố cáo lên cơ quan điều tra để xử lý chủ hụi. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã hướng dẫn khởi kiện ra tòa án theo quy định của luật dân sự.
Thủ đoạn lừa đảo của chủ hụi
Theo thượng tá Trần Minh Tâm, Phó Chánh Văn phòng cơ quan điều tra (Công an tỉnh Bình Dương), thủ đoạn của các chủ hụi thường là giao tiền rất sòng phẳng và đúng hạn nhằm tạo lòng tin.
Khi đã tạo được lòng tin thì chủ hụi lợi dụng việc các hụi viên không tham gia đi bỏ thăm khui hụi đầy đủ nên đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối như: Dùng tên khống, số phần khống tham gia chơi hụi hốt lấy tiền; tự ý lấy hụi của hụi viên để hốt; bán hụi khống và để cho nhiều hụi viên cùng hốt chót để lấy hụi của những hụi viên này nhằm chiếm đoạt tiền.
Thế nhưng, khi đã gom và lừa được số tiền lớn, chủ hụi liền “cao chạy, xa bay” thì hụi viên mới biết sự việc.
Cũng theo thượng tá Tâm, hậu quả của các vụ hụi bể rất nặng nề vì thường các vụ hụi có nhiều con hụi tham gia, tài sản bị thiệt hại lớn.
Thực tế tại tỉnh Bình Dương có vụ hụi bể lên tới gần 30 tỉ đồng, đa phần các con hụi tham gia thì đây là tiền họ dành dụm, tiết kiệm trong một khoảng thời dài và đây là tài sản lớn nhất họ có. Khi bị bể hụi có nhiều người rơi vào tình trạng lao đao, nợ nần, gia đình tan vỡ.
Thượng tá Tâm cho biết thêm, ngoài việc xác minh điều tra theo thông tin tố giác của người dân, cơ quan công an cũng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền phòng ngừa, hạn chế thấp nhất không để xảy ra các vụ lừa đảo liên quan đến chơi hụi.
Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân chỉ nên chơi hụi khi thấy rõ sự an toàn. Khi tham gia chơi hụi nhất thiết phải có sổ sách ghi chép cẩn thận, giấy tờ biên nhận rõ ràng, có chữ ký của cả hai bên về việc giao nhận tiền, biết rõ người nhận hụi sau mỗi kỳ góp hụi.
Đặc biệt, trước khi quyết định tham gia vào một nhánh hụi nào đó, người chơi cần tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan (Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường).
Ngoài ra, khi cần người dân có thể đến các ngân hàng gửi tiết kiệm hoặc vay vốn, thủ tục đơn giản, thuận tiện.