Theo thông tin từ Bệnh viện K, một trong những loại ung thư phổ biến nhất ngày nay là ung thư bàng quang, chiếm 3% trên tổng các bệnh ung thư phổ biến và xếp thứ 2 trong các loại ung thư đường tiết niệu.
ThS.BS CKII Đỗ Anh Tuấn - trưởng khoa ngoại tiết niệu, Bệnh viện K - cho biết ung thư bàng quang thường gặp ở người già tuổi trung bình là 69 ở nam và 71 ở nữ. Đây là bệnh hay gặp nhất sau ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới tuổi trung niên và người già.
"Tuy nhiên, ung thư bàng quang cũng đang có xu hướng trẻ hóa do môi trường sống, môi trường làm việc, nguồn nước, đồ ăn chứa hóa chất độc hại cũng như việc hút thuốc lá ngày càng phổ biến hơn trong giới trẻ", ThS.BS CKII Đỗ Anh Tuấn - trưởng khoa ngoại tiết niệu, Bệnh viện K chia sẻ trên Báo Tuổi Trẻ.
Bàng quang là một cơ quan trong khung chậu giúp lưu trữ nước tiểu trước khi thải ra ngoài cơ thể. Ung thư bàng quang là tình trạng khối u ác tính phát triển trong bàng quang.
Nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, ung thư bàng quang có thể được điều trị thành công.
Dưới đây là một số dấu hiệu khi đi tiểu cảnh báo bạn có nguy cơ mắc ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang có thể được chia thành 2 loại riêng biệt: 1) ung thư bàng quang bề ngoài; và 2) ung thư bàng quang xâm lấn cơ.
Loại ung thư bàng quang xâm lấn cơ là nơi ung thư phát triển sâu hơn vào thành bàng quang để mở rộng đến lớp cơ của bàng quang. Loại ung thư này rất nguy hiểm và gây chết người.
Máu trong nước tiểu
Nhìn thấy máu trong nước tiểu, ngay cả khi nó đã xảy ra một lần và biến mất sau đó, là biểu hiện của bệnh ung thư bàng quang. Hầu hết các bệnh ung thư có thể tạo ra các mạch máu để duy trì nguồn cung cấp máu cao cho bệnh ung thư. Càng nhiều khối u mạch máu thì nguy cơ chảy máu càng cao.T riệu chứng này không gây đau và đôi khi mọi người không chú ý nên có thể bị bỏ qua. Tuy nhiên, nó rất nguy hiểm. Do đó, nếu thấy có máu trong nước tiểu, bạn cần đi khám ngay để biết nguyên nhân.
Có cảm giác nóng rát khi đi tiểu và đi tiểu thường xuyên hơn
Biểu hiện xấu và có thể đột ngột thay đổi về cách bạn đi tiểu như tần suất hoặc lưu lượng nước tiểu ngày càng tăng, có thể là dấu hiệu của bàng quang. Ngoài ra, bệnh nhân có thể nhận thấy sự thay đổi trong dòng chảy của nước tiểu.
Đồng thời, việc bạn đau rát khi đi tiểu càng chứng tỏ bạn dễ mắc phải căn bệnh này.
Một số biểu hiện khác
Điều đáng chú ý khác của căn bệnh ung thư bàng quang tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể gặp các dấu hiệu như: Đau vùng chậu; Đau xương; Giảm cân không chủ ý; Sưng chân...
Chán ăn và sụt cân, mệt mỏi, suy nhược và/hoặc đau thắt lưng ở một bên, ăn không ngon miệng là những dấu hiệu của ung thư bàng quang. Thậm chí, đây có thể là những triệu chứng của ung thư bàng quang giai đoạn cuối. Nếu gặp các triệu chứng này, bạn cần đến bệnh viện để khám càng sớm càng tốt.
Cách phòng tránh ung thư bàng quang
Bỏ hút thuốc
Nghiên cứu cho thấy, ở những người có thói quen hút thuốc ít nhất 3 lần/ngày có nguy cơ mắc ung thư bàng quang hơn người không hút. Hút thuốc được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh ung thư này.
Khi sử dụng thuốc lá, các hóa chất có hại có thể tích tụ trong nước tiểu và làm hỏng lớp niêm mạc của bàng quang, điều này dễ dẫn đến ung thư. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, xì gà và tẩu thuốc có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.
Uống đủ nước
Nước uống có vai trò rất quan trọng trong đời sống và cơ thể con người. Nước sẽ đào thải các chất độc hại trong cơ thể ra bên ngoài thông qua tiểu tiện. Nếu uống không đủ nước, các chất độc hại sẽ lưu lại trong hệ thống tiết niệu gây ra bệnh lý dẫn đến ung thư bàng quang. Do đó, khi bạn uống nước sẽ mang lại những điều có lợi.
Tránh môi trường làm việc độc hại
Những ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại như họa sĩ, thợ cắt tóc, thợ máy... có liên quan đến khả năng phát triển ung thư bàng quang cao hơn. Các chất được sử dụng trong sản xuất cao su, thuốc nhuộm và sơn... có chứa benzidine và beta-naphthylamine được cho là có ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh. Nghiên cứu ước tính có tới 18% các ca bệnh ung thư bàng quang do nguyên nhân này gây ra. Khi cơ thể tiếp xúc với hóa chất gây hại, thận sẽ phải lọc chúng ra khỏi máu, lâu dần tích tụ trong bàng quang và tiến triển thành ung thư.
Có thể phát hiện sớm bằng những phương tiện chẩn đoán phổ biến hiện nay như siêu âm, chụp CT-Scan, nội soi bàng quang chẩn đoán; tỷ lệ khỏi bệnh cao khi bệnh còn ở giai đoạn sớm.