Mè đen có tác dụng gì cho sức khỏe và bạn có thể chế biến những món ăn nào từ loại ngũ cốc này? Đọc ngay bài viết bên dưới, chị em sẽ thấy bấy lâu nay mình đã bỏ qua nguồn dinh dưỡng quen thuộc mà vô cùng quý giá.
Mè đen có tác dụng gì?
Phòng chống ung thư
Bên cạnh các khoáng chất, vitamin, trong thành phần của mè đen còn có chứa nhiều hợp chất chống ung thư mang tên axit phytic. Loại chất này hoạt động như một chất chống oxi hóa, ngăn chặn sự phát triển của các gốc tự do. Vì thế, chúng phần nào ngăn ngừa được sự hình thành của một số bệnh như: ung thư bạch cầu, ung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư ruột kết,...
Ổn định huyết áp
Thành phần magie có trong dầu mè được biết tới như một phương thuốc tự nhiên có khả năng giảm cao huyết áp, ổn định hệ thống tim mạch, đồng thời ngăn ngừa các vấn đề xảy ra có liên quan tới bộ phận này. Trong một khẩu phần ăn có chứa dầu mè, lượng magie được đánh giá cung cấp cho cơ thể đến 25% nhu cầu hàng ngày. Đây là một con số không hề nhỏ cho thấy công dụng của mè đến sức khỏe con người to lớn như thế nào.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa phát triển
Mè đen chứa nhiều chất xơ - loại chất hỗ trợ đường tiêu hóa hoạt động nhịp nhàng, từ đó hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy, táo bón, bệnh về ruột già, ung thư đường tiêu hóa. Ngoài ra, chất xơ trong mè đen còn là khắc tinh của cholesterol LDL có trong thịt động vật. Chúng đóng vai trò "người gác cửa" loại bỏ nhanh chóng các độc tố gây hại đó ra khỏi cơ thể.
Tăng cường sức khỏe xương
Hàm lượng kẽm, canxi, photpho có trong mè đen cực kì tốt cho sức khỏe xương khớp. Các khoáng chất này hỗ trợ quá trình tái tạo và cung cấp canxi cho xương, đồng thời giúp bạn phòng chống loãng xương hiệu quả. Đặc biệt với những ai đang trong quá trình hồi phục chấn thương xương, trẻ trong giai đoạn phát triển thì mè đen là một loại hạt tuyệt vời cho sức khỏe.
Mè đen trị tóc bạc, làm đẹp da
Các chuyên gia cho rằng ăn những thực phẩm có màu đen như mè đen, đậu đen, nếp cẩm,... sẽ giúp cơ thể kích thích hệ thống bài tiết, tăng lượng hồng cầu, làm cho da dẻ hồng hào, tóc đen bóng mượt, không còn rụng nhiều. Nguyên nhân xét về mặt y khoa chính là do trong mè đen chứa nhiều licethin, sắt, protein, đặc biệt là vitamin E có tác dụng ngăn ngừa oxi hóa cao, đẩy lùi dấu hiệu lão hóa.
Mè đen giảm cân
Axit amin, vitamin dồi dào có trong mè đen với khả năng đánh tan lớp mỡ tích tụ ở vùng bụng, đùi, bắp tay sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại được vóc dáng mơ ước. Ngoài ra, uống nước mè đen thường xuyên còn giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, đào thải độc tố, chất béo, mỡ thừa ra ngoài, cho bạn vẻ ngoài tự tin hơn trước.
Lợi sữa cho phụ nữ sau sinh
Mè đen có lợi sữa không? Câu trả lời chắc chắn là có vì loại hạt này cung cấp cho cơ thể phụ nữ sau sinh rất nhiều chất dinh dưỡng như đồng, sắt, canxi, magie, photpho, kẽm, chất xơ. Bổ sung mè đen vào khẩu phần ăn hàng ngày, chị em không những nhẹ gánh nỗi lo thiếu sữa cho bé mà còn vô cùng an tâm vì lượng sữa cung cấp cho con chứa rất nhiều dinh dưỡng.
Hướng dẫn nấu một số món ăn với mè đen
Chè mè đen
Nguyên liệu
1 trái dừa già
100g mè đen
100g đường phèn
50g bột sắn dây
40g đậu phộng
10g gừng
1/2 muỗng cà phê muối
Cách chế biến
Đầu tiên, trút mè đen vào chảo rang khoảng 5-7 phút đến khi dậy mùi thơm thì tắt bếp. Cho mè rang vào máy sinh tố, thêm 300ml nước lọc rồi bật nút xay nhuyễn. Sau đó, cho hỗn hợp vừa xay qua túi lọc bỏ cặn, xác, giữ lấy nước cốt.
Bắc chảo lên bếp cho đậu phộng vào rang cùng 1/2 muỗng cà phê muối. Đậu vàng, bóc vỏ rồi giã nát trong cối. Về phần dừa già, chị em bổ đôi lấy nước, riêng cơm dừa thì bào sợi dài. Tiếp theo, bắc nồi lên bếp nấu 500ml nước dừa cùng bột sắn dây. Bột hòa tan hết thì thêm đường phèn, gừng bào nhuyễn.
Trong lúc nấu chị em nhớ khuấy đều tay để bột không vón cục và cháy xém dưới đáy. Canh đến khi nước sánh lại, đổ mè đen đã lọc vào, vừa đổ vừa khuấy để hai hỗn hợp hòa quyện vào nhau. Cuối cùng, nêm nếm lại hương vị một lần nữa là có thể tắt bếp.
Khi ăn, chị em múc mè đen ra chén, rắc thêm dừa sợi, gừng và đậu phộng lên trên là có thể thưởng thức ngay. Món chè mè đen sánh mịn tan ngay trong miệng pha lẫn chút sần sật của dừa, đậu phộng, thơm thơm cay cay của gừng thì không còn gì tuyệt hơn.
Bánh bao nhân mè đen
Nguyên liệu
150g bột mì
70ml sữa đậu nành không đường
40g mè đen chín
15g hạt óc chó
40g đường
30g bơ lạt
2g men nổi
1g muối
1 muỗng sữa đặc có đường
1 muỗng dầu mè
15ml nước
Cách chế biến
Đầu tiên, cho các nguyên liệu mè đen, đường, hạt óc chó vào máy sinh tố xay mịn. Bắc nồi lên bếp đun chảy 30g bơ lạt rồi trút mè đen, 15ml nước lọc, dầu mè vào trộn đều. Sau đó, cho toàn bộ hỗn hợp trên vào túi nilon, dùng tay dàn đều rồi để vô ngăn đá tủ lạnh đến khi đông cứng.
Trong thời gian đó, chuẩn bị phần vỏ bánh. Cho bột mì, muối vào tô trộn đều. Ở một tô khác, cho sữa, đường, sữa đặc, men nổi vào đánh tan. Sau khi làm xong 2 hỗn hợp, trút lại thành 1 rồi nhồi thật mịn. Đến khi thu được khối bột như ý thì cho lại vào tô, ủ bột khoảng 1 tiếng.
Lấy nhân mè đen ra khỏi ngăn đông. Bắt đầu chia bột thành nhiều phần nhỏ rồi cán dẹt, cho nhân vào giữa, gói tròn lại đẹp mặt. Đợi bánh nghỉ thêm 10 phút nữa thì mới cho vào nồi hấp ở mức lửa vừa. Sau 15-17 phút là bánh chín, chị em có thể lấy ra mời mọi người dùng ngay lúc nóng.
Sữa mè đen
Nguyên liệu
100g mè đen
500ml nước lọc
500ml sữa tươi không đường
150ml sữa đặc
Cách chế biến
Đầu tiên, cho mè đen vào chảo rang chín trong 5 phút ở mức lửa vừa. Đợi mè nguội đổ vô máy sinh tố xay cùng 500ml nước. Sau đó, trút hỗn hợp qua rây lọc lấy nước, bỏ xác. Bắc nồi lên bếp nấu nước mè cùng 500ml sữa tươi, 150ml sữa đặc. Vừa nấu, chị em vừa khuấy đều tay đến khi sữa sôi lăn tăn là hoàn thành. Tùy vào sở thích, bạn dùng nóng lập tức hoặc cho vào tủ chờ lạnh đều được.
Những thông tin mà chúng tôi cung cấp trên đây phần nào giúp chị em giải tỏa được câu hỏi "mè đen có tác dụng gì?" cũng như tìm hiểu thêm những món ăn nào có thể chế biến từ loại hạt này. Chúc bạn thành công và luôn nấu được nhiều món ăn bổ dưỡng cho gia đình!