Chiều 30/7, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị - vừa cho hay bệnh nhân mắc Covid-19 số 437 diễn biến rất nặng. Bệnh nhân đang được sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo). Các bác sĩ tích cực xử lý và điều trị cho trường hợp này.
Bệnh nhân số 437 là nam, 61 tuổi, trú ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Bệnh nhân mắc suy thận mạn, đã điều trị chạy thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, gout tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian dài trước khi phát hiện mắc Covid-19.
Ngày 22/7, bệnh nhân vào lại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng, để chạy thận. Hôm sau, người này xuất hiện triệu chứng khó thở, mệt nhiều nên được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng.
Ngày 27/7, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Khi vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, thể trạng mệt mỏi. Sau đó, bệnh nhân này phải thở máy.
Hiện Việt Nam có thêm nhiều ca bệnh nặng. Đa phần là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm.
Tính tới chiều 30/7, Bệnh viện C Đà Nẵng điều trị 2 bệnh nhân Covid-19, gồm BN420 và 445. Trong đó, BN420 không còn cảm giác khô miệng, vận động tay chân bình thường, thông khí phổi tốt. Trước đó, người này có thời gian diễn biến nặng.
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, 2 ca phải chạy ECMO, 2 ca thở máy. Riêng BN428 suy thận nặng, thở máy, vừa được cấp cứu. Hiện các thông số tạm ổn.
BN438 chuyển từ Bệnh viện Đà Nẵng đến Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng bệnh rất nặng, rối loạn khí máu, thở máy và được chỉ định lọc máu.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hiện điều trị 2 ca dương tính. Trong đó, ca 449 nặng do nhiễm trùng phổi, tiền sử cao huyết áp, sử dụng corticoid trong thời gian dài. Hiện bệnh nhân đã hết sốt và ổn định hơn.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) vừa tiếp nhận 125 người bệnh nhân Covid-19 là công dân Việt Nam trở về từ Guinea Xích Đạo. Trong số này, 6 bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương phổi. Đáng chú ý, 3 người được xét nghiệm cho kết quả nhiễm sốt rét và ký sinh trùng đồng thời. Do đó, các bác sĩ cần theo dõi sát sao 3 trường hợp này để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra tình huống khẩn cấp.
PGS Khuê nhận định: "Cuộc chiến phòng, chống Covid-19 còn dài, phía trước còn rất nhiều thách thức. Do đó, trước tiên, chúng ta phải bảo vệ các y bác sĩ và nhân viên y tế để có người điều trị cho bệnh nhân".
Về công tác điều trị, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các cơ sở y tế dốc sức vì bệnh nhân.
"Các bệnh viện tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dù chỉ một phút trong điều trị Covid-19. Bởi căn bệnh này rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể diễn biến xấu rất nhanh. Chúng ta phải nỗ lực cao nhất, không để bệnh nhân tử vong", PGS Khuê nhấn mạnh thêm.