Bệnh nhân 1342 vi phạm rất nghiêm trọng khi cách ly phòng dịch
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân 1347 nhiễm COVID-19, chiều ngày 1/12, Bộ Y tế đã công bố thêm 2 ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại TP.HCM liên quan đến bệnh nhân này.
Bệnh nhân 1347 được xác định nguồn lây từ bệnh nhân 1342. Đây là một nam tiếp viên hàng không của hãng Vietnam Airlines đi trên chuyến bay từ Nhật Bản về Việt Nam và được cách ly tại khu cách ly của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, trong quá trình cách ly nam tiếp viên này không tuân thủ quy định, cụ thể bệnh nhân 1342 đã sang khu đang cách ly dành cho phi hành đoàn của một chuyến bay khác và tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân 1325.
Trong vòng 5 ngày đầu cách ly, bệnh nhân 1342 xét nghiệm 2 lần cho kết quả âm tính và được cho về cách ly tại nơi cư trú (nhà trọ). Tại đây, một lần nữa nam tiếp viên không tuân thủ quy định cách ly khi tiếp xúc trực tiếp với 3 người bao gồm mẹ và 2 người bạn, trong đó có trường hợp bệnh nhân 1347 đã dương tính.
Nam tiếp viên Vietnam Airlines đã vi phạm nghiêm trong khi cách ly.
Trước sự việc trên, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 báo cáo tình hình và các biện pháp phòng chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm này, ở bộ phận nào, cá nhân nào trong thực hiện quy trình cách ly, cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long cho rằng bệnh nhân 1342 đã vi phạm rất nghiêm trọng về phòng chống COVID-19 tại khu cách ly và đề nghị xử lý nghiêm.
Về phía UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND thành phố ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật, xem xét xử lý đối với bệnh nhân 1342. Mức độ vi phạm đến đâu xử phạt đến đó, theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là theo Luật Phòng chống truyền nhiễm.
Nam tiếp viên có thể đối mặt với án hình sự
Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự (Công ty Luật TAT Law firm) cho biết bệnh nhân 1342 là nam tiếp viên hàng không có tiếp xúc với 1 tiếp viên của chuyến bay khác từ Rumani về đã có biểu hiện rõ của việc vi phạm quy định cách ly. Do đó, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Cường, Nghị định 117/2020/NĐ-CPquy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: “Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”.
Tuy nhiên, sau khi sự việc xảy ra, nhất là bệnh nhân 1342 lây nhiễm bệnh cho người khác, vì thế nhiều người dân cho rằng cần phải xử lý nghiêm đối với hành vi trên mới đủ sức răn đe người vi phạm.
Luật sư Đặng Xuân Cường cho biết, việc không tuân thủ cách ly làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng có thể chịu trách nhiệm hình sự.
“Căn cứ hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 thì người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly, thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại Điểm c, Khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:
- Trốn khỏi nơi cách ly;
- Không tuân thủ quy định về cách ly;
- Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;
- Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Do đó, trường hợp cá nhân không tuân thủ quy định cách ly tại nhà gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017)”, luật sư Cường cho hay.
Được biết, khung hình phạt thấp nhất của tội này là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, trong vụ việc này cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ y tế, người được phân công quản lý bệnh nhân, khi để những người có nguy cơ mang mầm bệnh, người mắc bệnh tiếp xúc gần với người khác dẫn đến việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.