Ánh hào quang sân khấu, tiếng hò reo của khán giả là những mê lực khiến cho nhiều người mang theo ước mơ trở thành idol thậm chí là đánh đổi cả tuổi thơ để chờ đợi cơ hội ra mắt chỉ 1 lần trong đời.
Nhưng cũng giống như sự cân bằng trong cuộc sống “có qua có lại”, góc tối đằng sau sân khấu chính là cái giá đắt cho tiền tài và danh vọng của một thần tượng.
Cùng 2Sao.vn tìm hiểu những mặt trái đằng sau sân khấu hòa nhoáng và đâu là sự thật tàn nhẫn khi dấn thân vào con đường “thần tượng K-pop”.
Chịu đựng nỗi dày vò từ chính đồng đội
Bị đè nén bởi chính đồng nghiệp nhưng không thể nói ra, sự nghiệp bị hủy hoại cũng do đồng đội nhưng không một ai tin bởi khán giả thường chỉ nhìn vào những điều mà họ thấy còn đằng sau đó là sự thật không một ai biết.
Chắc hẳn các fan K-pop vẫn chưa quên scandal bắt nạt nội bộ rúng động giới giải trí năm 2012 đã khiến nhóm nhạc T-ara rơi xuống đáy vực từ đỉnh cao danh vọng.
Các cô gái đã bị thành viên cùng nhóm Hwayoung ngầm ám chỉ là những kẻ bắt nạt khiến Hwayoung phải rời khỏi nhóm. Đương nhiên đối với công chúng “idol hóa ra là những kẻ bạo lực” là điều không thể chập nhận được, và T-ara đã trở thành con ghẻ quốc dân với những lời miệt thị, chửi rủa, cho dù các cô gái đã lên tiếng giải thích nhưng cũng chẳng có mấy ai tin.
Chỉ đến 5 năm sau công chúng mới ngỡ ngàng nhận ra rằng chính Hwayoung – kẻ đóng vai nạn nhân mới là “đầu sỏ” đứng sau tất cả khi cùng với người chị gái sinh đôi tự biên tự diễn màn kịch bị bắt nạt nội bộ.
Hwayoung và chị gái
Mặc dù đã được minh oan nhưng mọi thứ đã quá muộn để cứu vãn, khi T-ara đã bỏ lỡ thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp và cuối cùng kết thúc với việc “mỗi người một nơi”.
Mới đây nhất vào tháng 7/2020, một lần nữa vụ việc bắt nạt lại khiến giới giải trí chấn động khi cựu thành viên nhóm nhạc AOA – Mina lên tiếng tố cáo cô bị bắt nạt trong suốt 10 năm bởi Jimin – cựu thành viên và cũng là trưởng nhóm AOA.
May mắn hơn T-ara bởi lần này Mina đã nhận được sự tin tưởng bởi công chúng chịu đứng ra bảo vệ, an ủi và động viên tinh thần cho nữ thần tượng.
Về phía Jimin, sau khi đánh rơi chiếc mặt nạ xinh đẹp với hàng loạt những scandal chấn động như bắt nạt đồng đội, sex tại ký túc xá sự nghiệp thần tượng của cô nàng cũng hoàn toàn chấm dứt với tuyên bố phải rời khỏi AOA cũng như rút lui khỏi ngành giải trí.
Bị công ty đối xử bất công
Tưởng chừng sau khi ra mắt là mọi thứ sẽ ổn, nhưng hóa ra đây mới thực sự là cội nguồn của sóng gió. Nghe thì có vẻ chẳng có gì nhưng thực chất bị công ty đối xử bất công chính là nguyên nhân hàng đầu khiến một nhóm nhạc kết thúc bằng việc tan rã dù có tài năng đến mấy.
Từng là nữ hoàng K-pop một thời và đến bây giờ “chiến tích lừng lẫy” của 2NE1 vẫn không ngừng được nhắc lại thế nhưng số phận của 2NE1 vẫn là “tan rã” khi bị YG đối xử bạc bẽo sau nhiều năm công hiến.
Không ra mắt sản phẩm mới, không có kế hoạch quảng bá, các thành viên lần lượt rời khỏi công ty 2NE1 phải ngừng hoạt động vĩnh viễn vào năm 2016 kể từ khi sự nghiệp xuống dốc năm 2015 sau scandal sử dụng chất cấm của Park Bom.
Giống như T-ara, mặc dù sau đó Park Bom đã được minh oan nhưng sự nghiệp của 2NE1 đã đến bên bờ vực thẳm với sự ghẻ lạnh và thờ ơ của công ty.
Đến bây giờ trong mắt fan YG vẫn là tội đồ cho sự ra đi của huyền thoại một thời, khiến cho sự nghiệp sau khi tan rã của các cô gái 2NE1 trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi họ như những cái tên xa lạ trong mắt công chúng.
Cùng chung số phận như 2NE1, B.A.P thuộc công ty TS Entertainment cũng là một nạn nhân xấu số khi cũng phải ra đi dưới sự quản lý bất công và hoạt động mập mờ của công ty.
Trở về khoảng thời gian năm 2012, B.A.P từng được coi là đối thủ cạnh tranh của EXO với phong cách khác lạ mà mọi người vẫn mong chờ đây sẽ là một “BigBang thứ 2”. Tuy nhiên vào năm 2014 B.A.P đệ đơn kiện công ty chủ quản bởi nhóm chỉ được chia 1% trong số doanh thu khổng lồ mà nhóm mang về, 9% còn lại bị cuỗm sạch sẽ bởi công ty.
Tranh chấp với công ty đồng nghĩa với việc họ gặp khó khăn trong việc quảng bá và cho ra mắt sản phẩm mới, cuối cùng B.A.P đã tan rã trong tiếc nuối vào năm 2019.
Đánh đổi bằng mạng sống
Có lẽ đây là cái giá đắt nhất khi một ai đó quyết định bước chân vào con đường giải trí, bởi nó chính là cái nôi nuôi dưỡng nên căn bệnh trầm cảm tước đoạt mạng sống của idol.
Bên ngoài lung linh, đẹp đẽ là vậy nhưng thật ra đằng sau đó là những áp lực mà thần tượng phải trải qua. Họ phải tự bó mình trong một khuôn khổ để đáp ứng sự mong mỏi của khán giả, phải chật vật với áp lực doanh số album, ngày ngày suy nghĩ làm thế nào để chiếm thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng, căng não để tìm cách làm sao để tên tuổi không bị bão hòa.
Suga BTS từng vật lộn với căn bệnh trầm cảm đằng sau vỏ bọc mạnh mẽ
Để làm được điều đó, họ phải làm việc không ngừng nghỉ với những sự trở lại liên tục bằng các sản phẩm mới, không có thời gian suy nghĩ cho bản thân, cho gia đình, cuộc sống của thần tượng sinh ra là để làm hài lòng fan bởi fan chính là thứ giúp họ tồn tại.
Taeyeon cũng phải tranh đấu với bóng ma trầm cảm để đứng trên sân khấu
Không chỉ áp bức từ công việc, ngày ngày khi thức dậy họ phải đổi mặt với hàng trăm nghìn bình luận tiêu cực, mắng mỏ, chửi rủa và phải học cánh sống chung với nó như một nhiệm vụ bất khả thi.
Mina - TWICE phải tiếp nhận điều trị tâm lý
Điều đáng tiếc là không phải ai cũng có thể chịu đựng được sự khắc nghiệt đó, và đây cũng là lúc bóng ma trầm cảm nuốt chửng lấy tâm hồn họ, dần dần mài dũa và bòn rút tinh thần thể lực để rồi đến cuối cùng cái mà người hâm mộ nhìn thấy là những cái chết tức tưởi của những nghệ sĩ trẻ.
Năm 2017 và năm 2019 là 2 năm đau thương trong làng âm nhạc K-pop khi chứng kiến sự ra đi mãi mãi của 3 nghệ sĩ trẻ Jonghyun, Sulli và Go Hara.
Họ đều là những nạn nhân xấu số do sự độc ác của những con người ngồi sau bàn phím chỉ vì họ dám phá vỡ khuôn khổ của một thần tượng để sống thật với đúng con người mình.
“Việc trở thành ngôi sao, việc làm một thần tượng chính là cội nguồn của sự đau khổ” là những lời trăn trối cuối cùng mà Jonghyun viết trong bức thư tuyệt mệnh, đã cho thấy sự khắc nghiệt của giới giải trí Hàn Quốc.
Một người nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu họ sẽ mang tới cho khán giả hình ảnh tuyệt vời nhất, mà có lẽ đó là vỏ bọc mà họ phải tạo nên để che đi sự mệt mỏi và tổn thương trong tâm hồn. Mặc dù sự thật nghiệt ngã là vậy nhưng việc thay đổi được điều này là gần như bất khả thi bởi lẽ những mặt trái tàn khốc ấy đã được tạo ra kể tự khi định nghĩa về Idol xuất hiện.
Nó chỉ thay đổi khi suy nghĩ của con người thay đổi, nhưng liệu cái đã ăn vào máu quá lâu có thể dễ dàng bị gỡ bỏ hay không khi ngoài kia còn đầy rẫy những “kẻ tội đồ bàn phím” và sự ích kỷ của nhiều fan hâm mộ vẫn đang tồn tại? Đây vẫn là dấu chấm hỏi lớn mà chưa ai có thể tìm được câu trả lời.