Cơ quan công an huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) đã xác định người phụ nữ là mẹ đẻ của bé trai sơ sinh gây ra vụ chôn sống con mình khiến dư luận rúng động. Tuy nhiên, các đơn vị nghiệp vụ vẫn đang tiến hành giám định AND và những thủ tục cần thiết khác mới có kết luận chính thức vụ việc.
Một tuần trôi qua, sau khi tự vượt cạn rồi gây ra vụ việc đào đất chôn con sơ sinh của mình, bà Trần Thị Á Khương (40 tuổi, thôn Phò Trì, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân) sức khỏe vẫn còn yếu. Dù gây ra vụ việc tày trời nhưng bà Khương vẫn tỏ ra khá bình thản, có phần “ngơ ngơ” đúng như những gì gia đình cho biết “chị không bình thường” do bệnh về thần kinh từ thuở nhỏ.
Được biết, bà Khương đã có chồng và 2 con (con lớn 15 tuổi, con nhỏ 8 tuổi). Khoảng tháng 9/2017, người phụ nữ này phát hiện mình mang thai, tuy nhiên do gia cảnh nghèo nàn, cùng với việc hay bị chồng đánh chửi nên bà Khương cố che giấu việc mang bầu.
Rạng sáng 26/5, trong cơn giông mưa cực lớn, bà Khương chuyển dạ và âm thầm ra sau nhà tự rặn đẻ. Đứa bé trai sơ sinh vừa lọt khỏi bụng mẹ, bà Khương đã bồng con ra vườn keo cạnh nhà rồi lấp đất chôn con.
Đến gần 5h sáng cùng ngày, em chồng bà Khương đi ra vườn keo thì phát hiện khuỷu tay, chân của đứa bé nhô lên giữa mặt đất. Ngay lập tức những người thân khác có mặt, bới đất đưa đứa bé vẫn còn thở vào bệnh viện đa khoa khu vực LaGi cấp cứu. Đến nay cháu bé đã hoàn toàn bình phục và đang được cán bộ Hội phụ nữ xã Tân Thắng chăm sóc.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đỗ Văn Anh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Lagi, Bình Thuận chia sẻ, cũng may cháu bé được phát hiện sớm, chỉ chậm khoảng 10 phút nữa thôi là có thể đã không cứu được.
“Trẻ mới sinh đường hô hấp rất yếu, có thể bị viêm đường hô hấp cấp bất cứ lúc nào. Cháu bé có sức sống mãnh liệt, sau khi được người dân tắm rửa, đưa đến trạm y tế để tiến hành xử lý vết thương trên mặt, người cháu từ tím tái, hồng hảo trở lại. Khi đến bệnh viện, cháu đã có thể tự uống sữa được, hơi thở đều” , ông Anh cho biết.
Ông Anh nói thêm, cho đến thời điểm này, nhân viên bệnh viện chăm sóc về mặt chuyên môn, theo dõi sức khỏe cháu bé thường xuyên còn lãnh đạo UBND xã Tân Thắng đã cắt cử 1 cán bộ túc trực tại bệnh viện chăm sóc, giúp cháu bé trẻ qua giai đoạn khó khăn.
Hiện cơ quan chức năng đang vận động gia đình bà Khương đến bệnh viện nhận lại con mình. Nhưng chính người mẹ của Khương tâm sự, không dám đưa cháu bé về cho vợ chồng Khương nuôi vì hiện tại họ đã có 2 người con và cuộc sống rất khó khăn.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề trên, luật sư La Văn Thái (Giám đốc Công ty luật Tầm nhìn và Thịnh vượng) cho biết, trong trường hợp bàn giao lại đứa cho con người mẹ cần phải xác định người mẹ có biểu hiện tâm thần hay không. Bởi thực tế người mẹ này đã có hành vi chôn đứa trẻ khiến cháu bé suýt mất mạng nên sẽ không ai dám chắc cháu bé sẽ không gặp nguy hiểm khi giao lại cho người mẹ nuôi.
“Tôi được biết ở mỗi địa phương đều có Trung tâm Công tác xã hội. Đây là cơ quan có chức năng bảo trợ giúp đỡ nhóm đối tượng trẻ em như trường hợp này. Quy định hiện hành cũng nêu rõ: “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển”. Do vậy tôi mong rằng chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cần có động thái giúp đỡ cháu bé cụ thể hơn”, luật sư Thái bày tỏ.
Bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thì cho rằng: “Pháp luật ủng hộ mẹ có quyền nuôi con và đứa con có quyền được chăm sóc bởi bố mẹ đẻ nên chúng ta không thể ngăn cấm nếu bà Khương muốn xin nhận lại con để nuôi”.
Tuy vậy, bà Ninh Thị Hồng cũng nhấn mạnh, trước khi giao cháu bé cho mẹ đẻ, cơ quan chức năng cần xác định bà mẹ này có tư tưởng ổn định và trạng thái tinh thần phù hợp hay không?
“Bên cạnh đó, phải có quá trình giám sát từ cộng đồng, chính quyền địa phương. Nếu quá trình chăm sóc không tốt hoặc có nguy cơ gì thì lúc đó có thể giao cháu bé cho họ hàng, các tổ chức bảo trợ xã hội hoặc các cặp bố mẹ có nhu cầu xin con nuôi đáp ứng đủ điều kiện”, bà Hồng cho biết thêm.