Đau đớn khi nghe bác sĩ nói con không có cả 2 tay
Đến thôn Muối, xã Lan Mẫu (Lục Nam, Bắc Giang), chúng tôi không khó để nhận ra ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Tuyên (SN 1985) - nơi có cháu Nguyễn Tiến Anh (SN 2010) với biệt danh “chim cánh cụt” đang sinh sống giữa núi rừng.
Kể với chúng tôi, chị Tuyên cho biết năm 20 tuổi chị đi lấy chồng, khi mới có đứa con đầu lòng thì hôn nhân tan vỡ. Chẳng biết đi đâu, chị ôm con trai về quê mẹ ở bản Muối.
Tại đây, sau một thời gian nguôi ngoai chuyện đổ vỡ gia đình, chị Tuyên “mở lòng” và chấp nhận làm mẹ đơn thân để con chị “có anh, có em”. Thế nhưng, một lần nữa người mẹ này lại nhận tin sốc khi bác sĩ thông báo chị mang song thai, 1 bé bị dị tật không có tay.
Chị Tuyên nhớ lại thời khắc bác sĩ thông báo con bị dị tật không có tay.
Nhận được thông báo của bác sĩ, lòng chị đau như cắt. Cuối cùng, chị quyết định dù con có như thế nào, nhưng khi con đã đến với mình thì sẽ để con chào đời. Ngày sinh con, chị Tuyên lo lắng vô cùng. Lần đầu gặp con chị bị sốc vì thân thể con không trọn vẹn, thế nhưng nghe tiếng con khóc, nhìn khuôn mặt bụ bẫm của con, chị tự dặn lòng mình phải cố gắng để nuôi con nên người. Chị đặt tên cho đứa trẻ không tay ấy là Nguyễn Tiến Anh.
Ngày qua ngày, bé Tiến Anh lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác. Thời gian con tập đi là lúc chị Tuyên đau đớn nhất khi liên tục nhìn cảnh con không thể cân bằng cơ thể, ngã lên ngã xuống. Thế nhưng, những tia hy vọng chưa bao giờ tắt bởi cậu bé “chim cánh cụt” không bao giờ bỏ cuộc.
“Tôi vẫn nhớ hôm đó đi làm đồng về, 2 con (1 bé lớn, 1 bé song sinh cùng Tiến Anh) chạy ra trước cổng đón mẹ, còn Tiến Anh lần đầu tiên có thể lẫm chẫm bước chậm chạp phía sau. Thấy vậy tôi òa khóc và ôm con thật chặt vào lòng”, chị Tuyên kể lại.
Tiến Anh học tập bằng đôi chân "ma thuật" của mình.
Mẹ sững người khi nghe con hỏi: "Bao giờ tay mọc lại"
Một mình chị Tuyên nuôi 3 con nhỏ nên cuộc sống ban đầu gặp không ít khó khăn. Thế nhưng bằng sự nỗ lực của mình, chị đã vượt khó vươn lên, làm ăn kinh tế để các con có điều kiện học tập và tương lai tốt nhất.
Điều làm người mẹ này hạnh phúc nhất đó là cả 3 con đều chăm ngoan, học giỏi. Đặc biệt, bé Tiến Anh dù khuyết đi đôi tay nhưng từ bé đã sống tự lập, muốn tự mình làm tất cả.
Hơn 2 tuổi Tiến Anh bắt đầu bước đi. Lớn hơn 1 chút em biết dùng chân tự xúc cơm ăn và vệ sinh cá nhân. Đến tuổi đi học, chị Tuyên chỉ nghĩ cho con đến trường để gần bạn bè, đỡ tủi thân, chứ không dám nghĩ con biết viết, biết vẽ như các bạn cùng trang lứa.
Mọi sinh hoạt của Tiến Anh đều được làm bằng 2 chân.
“Tôi nhớ mãi hôm đến trường, Tiến Anh hỏi tôi rằng: "Mẹ ơi, sao con không có tay như các bạn? bao giờ thì tay con mới mọc hả mẹ?". Nghe xong tôi lặng người quay đi gạt nước mắt. Tối hôm đó, tôi giải thích với con rằng: Con bị khuyết tật, tay sẽ không mọc ra được. Nghe xong Tiến Anh im lặng và từ đó không bao giờ hỏi lại”, chị Tuyên kể lại.
Mong ước được làm họa sĩ để vẽ những gam màu sáng của cuộc đời
Càng lớn, Tiến Anh càng nhận thức được sự thiệt thòi nên cậu bé luôn cố gắng vượt lên số phận, không bao giờ mặc cảm và tự ti về bản thân. Giờ đây, Tiến Anh dùng đôi chân của mình thuần thục trong tất cả mọi việc từ việc học đến sinh hoạt trong gia đình.
Chính nghị lực phi thường và tính tự lập từ nhỏ đã giúp Tiến Anh có những thành tích ấn tượng trong việc học tập dù chỉ có đôi chân. Chữ viết đẹp, tiếp thu nhanh, thông minh, năng động….là những lời nhận xét của cô giáo dành cho Tiến Anh.
Trong cuộc sống, Tiến Anh cũng không bao giờ chịu nhận sự trợ giúp nào từ các anh, cũng như bạn bè dù được mọi người đề xuất. Kẹp bút vào 2 ngón chân, những nét chữ thẳng hàng được cậu bé viết lên, rồi cả những bức tranh muôn màu sắc cũng được Tiến Anh vẽ theo cách như vậy.
Ước mơ của cậu bé "chim cánh cụt" là được làm họa sĩ.
"Cháu nó (Tiến Anh) cứ cúi gằm tập viết đến nỗi lưng gù hết xuống rồi. Suốt ngày ước làm hoạ sĩ", chị Tuyên chia sẻ về đứa con với giọng tự hào. Chỉ vào những giấy chứng nhận, người mẹ khoe rằng con trai chị dù không có tay nhưng giành được nhiều giải vẽ tranh của trường và các cuộc thi vẽ tranh cấp huyện, tỉnh.
Nói về ước muốn của mình, Tiến Anh khẽ thủ thỉ: "Con không có tay như các bạn, con làm mọi thứ bằng chân để không làm mẹ buồn và vất vả thêm vì con. Sau này lớn con sẽ làm một họa sĩ giỏi để vẽ những bức tranh đẹp, kiếm tiền chăm sóc mẹ".
Cũng giống như cái tên của mình, Tiến Anh không bao giờ bỏ cuộc trước những khó khăn của bản thân gặp phải. Hàng ngày bằng đôi bàn chân đầy nghị lực của mình, Tiến Anh vẫn đưa bút vẽ lên những gam màu tươi sáng trong cuộc sống và tự viết lên câu chuyện của cuộc đời mình.