Theo thông tin từ Thanh Niên, ngày 28/12, tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An cho biết, đơn vị đang phối hợp các cơ quan chuyên môn về y tế để xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân tử vong sau khi tiêm ngừa của bé trai L.B.T.P (hơn 1 tháng tuổi, ngụ ấp Kênh Tẻ, xã Tân Ninh, H.Tân Thạnh, Long An).
Liên quan đến trường hợp bé P. tử vong, thông tin từ Sở Y tế Long An cho biết, lúc 10 giờ ngày 26/12, bé được mẹ ruột là B.T.L (22 tuổi) đưa đến cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn H.Cao Lãnh (Đồng Tháp) để tiêm ngừa lao. Mũi tiêm vào vai trái, tiêm dưới da, số lô vắc xin 569, hạn sử dụng 4/2025. Sau tiêm, bé được theo dõi sức khỏe 30 phút bình thường, về nhà vẫn bú bình thường, không sốt.
Tuy nhiên, đến khoảng 0 giờ ngày 27/12, chị L. phát hiện bé P. tím tái, chảy máu mũi và miệng. Gia đình đưa bé vào Trạm y tế xã Tân Ninh cấp cứu. Tại đây, bé được tiếp nhận với tình trạng mạch không bắt được, ngừng tim, ngừng thở, tím tái toàn thân, đồng tử giãn. Chẩn đoán bé đã tử vong trước khi được đưa đến cơ sở y tế.
Về tiền sử tiêm chủng của bé P., ngày 21/11, bé đã được tiêm mũi viêm gan B sơ sinh tại Trung tâm y tế Tân Thạnh (Long An). Lần tiếp sau là tiêm ngừa lao vào ngày 26/12 tại Đồng Tháp. Tiền sử dùng thuốc trước đó của bé không rõ.
Dẫn tin từ VnExpress, trước khi xảy ra sự việc, bé không bị chấn thương hay té ngã, theo người nhà.
Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan điều tra tiếp tục xác minh. Hiện chưa rõ tại sao bé tử vong. Sở Y tế chưa công bố số trẻ tiêm cùng lô vaccine và sức khỏe các cháu sau tiêm.
Vaccine ngừa lao được Bộ Y tế khuyến cáo tiêm cho trẻ từ một tháng tuổi đến một tuổi, càng sớm càng tốt. Thông thường trẻ khỏe mạnh được tiêm ngừa lao trong vòng 24 giờ sau sinh. Vaccine này rất hiếm khi xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng, hầu hết trường hợp chỉ bị sưng, đau nhẹ, loét nhỏ ở vết tiêm trên vai. Sau vài tuần, vết loét này tự lành thành vết sẹo nhỏ, cho thấy trẻ đã được miễn dịch với vi khuẩn lao.