Theo thông tin từ báo Pháp luật Việt Nam, vào tối 22/9, theo tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, chỉ từ đầu tháng 9-2023 đến nay, có 3 trường hợp trẻ được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch vì ong đốt, trong đó có trường hợp bé trai tử vong nêu trên.
Cụ thể, vào ngày 18/9, trên đường đi học về, bé trai B.L (10 tuổi, Hải Dương) bị ong vò vẽ đốt hơn 100 nốt rải rác khắp cơ thể. Ngay sau đó, bé được gia đình đưa đến cơ sở y tế và xử trí truyền dịch, dùng các thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng. Lúc này, B.L tỉnh táo nhưng mệt và khó thở nhiều, ngay lập tức, trẻ được chuyển tới Bệnh viện Nhi trung ương để tiếp tục điều trị.
Giờ thứ 5 sau khi bị đốt, bé được đưa đến Khoa Điều trị tích cực Nội khoa trong tình trạng suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận và rối loạn đông máu tiến triển nhanh chóng.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã điều trị tích cực, nhưng sau 2 ngày, tình trạng bệnh nhi không cải thiện, trẻ tử vong trong bệnh cảnh suy đa cơ quan, rối loạn đông máu nặng không đáp ứng với các biện pháp điều trị.
Trước đó, theo thông tin từ báo Hà Nội mới, ngày 6/9, Bệnh viện Nhi trung ương cũng tiếp nhận 2 trường hợp 9 tuổi và 12 tuổi ở Hòa Bình bị ong đốt khi đi hái ổi cùng nhau.
Trong đó, có một bé bị đốt khoảng 50 nốt ở vùng đầu, mặt, cổ. Sau đó, trẻ mệt và đau nhiều, gia đình ngay lập tức đưa tới cơ sở y tế và được xử trí phản vệ. Tiếp đến, trẻ nhanh chóng được chuyển tới bệnh viện tỉnh. Tại đây, bệnh nhi mệt hơn, sốt cao, khó thở và tiểu sẫm màu do tiêu cơ vân cấp. Sau 1 ngày, tình trạng bệnh không cải thiện, trẻ được chuyển tới Bệnh viện Nhi trung ương.
Bệnh nhi vào Khoa Điều trị tích cực Nội khoa trong tình trạng nguy kịch, suy đa tạng, bao gồm suy hô hấp do tổn thương phổi nặng, trụy mạch, tổn thương cơ tim, suy gan, suy thận và tiêu cơ vân cấp.
May mắn, sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi cải thiện hơn, không cần sự hỗ trợ của máy thở cũng như các thuốc trợ tim, vận mạch.