Bệnh nhi được gia đình đưa vào viện cấp cứu ngay trong đêm ngày 11/5. Theo gia đình bệnh nhân, khoảng 20h cùng ngày vào viện, bệnh nhân có uống Cefadroxil 500 mg, Alphachoay, Medrol 4 mg, Hapacol 250 mg.
Sau uống đến khoảng 22h cùng ngày bệnh nhân xuất hiện khàn tiếng, khó thở, phù nề vùng môi và mí mắt hai bên. Tất cả số thuốc trên gia đình mua tại quầy thuốc gần nhà khi bé có biểu hiện ho, sốt.
Ngay khi bé có biểu hiện bất thường gia đình đã đưa bé đến BVĐK Hùng Vương cấp cứu.
Bệnh nhi vào viện trong tình tạng phù nề toàn bộ hai mắt, vùng môi, khàn tiếng, đau bụng quanh rốn, khó thở, tim nhịp không đều, huyết áp tụt.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng và lập tức cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Sau khi tiêm Adrenaline đường bắp (thuốc chống sốc phản vệ) bệnh nhân có dấu hiệu giảm khó thở, nhưng hai mắt và môi vẫn sưng nề. Khoảng 20 phút sau cấp cứu bệnh nhân dần ổn định và chuyển điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện.
Đây không phải trường hợp đầu tiên bị sốc phản vệ mà Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận. Trước đó, vào ngày 5/4, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân nam, 25 tuổi, trú tại Phú Thọ, phải nhập viện cấp cứu do sốc phản vệ sau khi thái một củ hành để chuẩn bị nấu bữa tối.
Theo người nhà bệnh nhân này cho biết, khoảng 10 phút sau khi thái hành, nam thanh niên bắt đầu có biểu hiện sưng nề mặt, mắt. Tình trạng tăng nặng khi bệnh nhân chuyển tức ngực, khó thở, buộc gia đình phải đưa đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng, nhanh chóng cấp cứu theo phác đồ. Khi được tiêm adrenaline đường bắp, bệnh nhân giảm khó thở nhưng 2 mắt và mặt vẫn sưng nề. Khoảng 20 phút sau cấp cứu, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định.
Theo các bác sĩ sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.
ThS. BS. Phạm Đăng Hải, Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết thêm, triệu chứng của sốc phản vệ thường diễn ra ngay sau khi tiếp xúc với dị nguyên hoặc muộn hơn, xuất hiện. Cảm giác khác thường (bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi…), tiếp đó có các biểu hiện sau: Mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, phù Quincke; Mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được; Khó thở (kiểu hen, thanh quản), nghẹt thở; Đau quặn bụng, ỉa đái không tự chủ; Đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê; Choáng váng, vật vã, giẫy giụa, co giật…
Khi bị gặp người bị sốc phản vệ, người thân cần ngừng ngay đường tiếp xúc với dị nguyên (thuốc đang dùng tiêm, uống, bôi, nhỏ mắt, mũi…). Cho bệnh nhân nằm tại chỗ và khẩn trương gọi trợ giúp của lực lượng y tế.
Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Sùng Đức Long, cho biết thêm, nạn nhân bị sốc phản vệ sẽ đối mặt với hậu quả rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.
Do đó, bác sĩ Long khuyến cáo người dân nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Đặc biệt với những bệnh nhân đã có tiền sử dị ứng với thuốc, các dị nguyên cần thận trọng khi sử dụng thuốc, nên mua thuốc theo đơn của bác sĩ sau khi khám bệnh tại bệnh viện.
Tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương toàn bộ bệnh nhân có tiền sử sốc phản vệ đều được khai thác kĩ và cấp thẻ dị ứng trên đó có ghi rõ các dị nguyên đã ghi nhận gây sốc phản vệ cho bệnh nhân.
Bệnh nhân cần mang theo thẻ dị ứng này 24/24 trên người để giúp các bác sĩ hiểu rõ về tiền sử bệnh của mình khi đi khám, điều trị bệnh.