Mới đây, một bệnh viện ở TP Cần Thơ cho biết đã tiếp nhận sản phụ N.T.C.T. (32 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) nhập viện dự sinh. Đây là lần sinh con thứ 2 của sản phụ này. Mẹ bầu đã mang thai ở tuần thứ 38 và có dấu hiệu chuyển dạ nên đến viện.
Sau khi nhập viện, sản phụ T. đã được các bác sĩ theo dõi và chuyển lên phòng sinh. Khoảng 45 phút sau, chị T. sinh thường. Bé gái nặng 3,5kg chào đời an toàn, khỏe mạnh.
Tuy nhiên, điều hy hữu là trong quá trình đỡ đẻ cho sản phụ T., các bác sĩ phát hiện vòng tránh thai của người mẹ nằm ngay trong bánh nhau. Vì thế, ê-kíp bác sĩ và điều dưỡng đã lấy vòng tránh thai đặt vào tay của bé đang da kề da với mẹ để chụp ảnh kỷ niệm.
Sau 2 ngày nằm viện sau sinh, sức khoẻ của mẹ và bé ổn định.
Vợ chồng sản phụ T. cũng cho biết thêm, trước đó họ đã kế hoạch hóa gia đình ngừa thai bằng biện pháp đặt vòng tránh thai tại một cơ sở y tế để không có bầu ngoài ý muốn sau sinh con đầu lòng.
Nhưng cách đây 9 tháng, chị thấy mình bị chậm kinh nên đi khám thì phát hiện vòng dù đặt đúng vị trí song thai vẫn làm tổ. Chị cùng gia đình quyết định giữ thai lại và theo dõi thai định kỳ tại bệnh viện.
Suốt 9 tháng thai kỳ, mẹ bầu này luôn lo lắng vòng tránh thai sẽ ảnh hưởng đến thai nhi và sức khỏe của chị. Tuy nhiên may mắn, cả thai kỳ diễn ra suôn sẻ.
Thậm chí ngay trước khi chuyển dạ, sản phụ T. vẫn sợ rằng nếu không tìm thấy vòng có thể phải phẫu thuật để lấy ra.
Theo thống kê, phụ nữ đặt vòng vẫn có trường hợp mang thai nhưng rất hiếm, chỉ xuất hiện với tỷ lệ 2% trên thế giới và không phải trường hợp nào như thế cũng đi đến kết cục thai kỳ an toàn, một số trường hợp có thể sẩy thai hoặc sanh non.
Có thai khi đặt vòng phải làm sao?
Có thai khi đặt vòng phải làm sao là câu hỏi rất nhiều chị em quan tâm, nguyên nhân là vì điều này có thể dẫn tới nhiều rủi ro cho em bé. Ngoài hiện tượng thai ngoài tử cung, kể cả khi thai phát triển trong tử cung thì cũng có thể phải đối mặt với các nguy cơ như:
- Sảy thai thời kỳ những tháng đầu hoặc sinh non.
- Vỡ ối trước khi hiện tượng chuyển dạ xảy ra.
- Bất thường với nhau thai: nhau tiền đạo hoặc bị bóc tách.
- Vùng chậu bị viêm nhiễm.
- Thai nhi bị nhẹ cân hoặc yếu ớt khi sinh ra.
Vậy thì, trường hợp này nên hay không nên giữ lại thai nhi phụ thuộc vào điều kiện sức khỏe thực tế cũng như mong muốn của người mẹ. Nếu muốn giữ thai, mẹ cần đi khám và theo dõi thai định kỳ, chặt chẽ hơn. Cũng không cần phải tháo vòng khi mang thai. Khi muốn chấm dứt thai kỳ, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể và thực hiện theo đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn.
Có thai khi đặt vòng có thể ẩn chứa nhiều nguy cơ song điều này không đồng nghĩa với việc mẹ không thể giữ thai và sinh con khỏe mạnh. Trên thực tế, có không ít trường hợp những em bé đã được sinh ra và bác sĩ thực hiện lấy vòng sau khi sinh.
Điều quan trọng là mẹ cần được khám, kiểm tra và thực hiện đúng các chỉ định cũng như hướng dẫn từ bác sĩ. Cùng với đó, cần chú ý chăm lo sức khỏe tinh thần cũng như thể chất của bản thân để con luôn khỏe mạnh.
Để phòng ngừa tình trạng này đặt vòng mà vẫn thụ thai, chị em nên thực hiện:
- Khám phụ khoa định kỳ, thường xuyên.
- Thực hiện đặt vòng tại các cơ sở đảm bảo về uy tín.
- Chú ý hạn sử dụng của vòng để thay thế kịp thời.