Hai ca cấp cứu ngay trong đêm vì… gãy răng
Mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM tiếp nhận nhiều trẻ bị té ngã, chấn thương vùng miệng nghiêm trọng tới mức không thể giữ lại được răng sữa. Ngay trong đêm 20/4, bác sĩ Tạ Thị Ngọc Hà, khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã xử trí cấp cứu cho 2 trường hợp chấn thương nghiêm trọng.
Ca thứ nhất là một bé gái mới 21 tháng tuổi, tên là H. K. H., ngụ tại Bình Dương. Nhớ lại cảnh tượng khi tiếp nhận bệnh nhi, bác sĩ Hà còn cảm thấy xót ruột: “Đêm hôm như thế mà gia đình ôm bệnh nhi đi từ tận Bình Dương lên đây. Máu ở miệng cháu bé vẫn chưa cầm, cứ thế rỉ rả chảy. Bé gái hoảng loạn khóc thét. Tôi chạy ra thấy ông bà, cha mẹ, chú bác của cháu đi theo tới cả chục người. Ai cũng bồn chồn, lo lắng. Mẹ bé khóc lóc kể rằng con mình té úp mặt xuống đất lúc tập đi”.
Khi thăm khám, bác sĩ Hà xác định hai răng cửa hàm trên của bé gãy vụn, có mảnh răng lún cả vào trong xương hàm. Nướu hàm trên bị rách rộng, chảy máu khá nhiều. Trong lúc bác sĩ đang xử lý, bà mẹ cuống cuồng, sợ rằng con sẽ không mọc lại, chấn thương mạnh làm ảnh hưởng tới thần kinh của bé.
Dù cố gắng nhưng các bác sĩ không thể giữ lại hai chiếc răng cửa cho bé H. vì đã bị vụn ra hết. Bác sĩ Hà đành nạy, gắp ra hết mảnh răng còn găm lại, khâu 4 mũi ở nướu để cầm máu.
“Trường hợp này tới 7 - 8 tuổi mới có răng mọc thay thế. Như vậy bé H. sẽ phải sống trong 6 năm trời mà không có răng cửa hàm trên”, bác sĩ Hà nhận định.
Cũng ngay trong đêm 20/4, một bé trai 12 tháng tuổi, tên N.T.P.T., ngụ tại huyện Bình Chánh được gia đình đưa lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu.
Trước giờ đi ngủ, bé T. đùa giỡn với mẹ ở trên giường (cao khoảng 30 cm). Chẳng may bé lăn xuống, ụp mặt trên nền gạch. Mẹ bé lúc đưa con vào bệnh viện vẫn còn tự trách móc bản thân vì không kịp chụp lấy con.
Em bé này bị rớt mất một răng cửa hàm dưới, chiếc răng cửa nữa bên cạnh dính lủng lẳng. Ngoài việc phải nhổ luôn chiếc răng đang dính lại, môi bé T. còn bị rách khá dài. Bác sĩ Hà đã khâu 2 mũi ở môi trên và 7 mũi ở môi dưới cho bệnh nhi. Ca này cũng phải chờ tới lúc lên 6 – 7 tuổi hai răng cửa hàm dưới mới mọc lại.
Mất luôn hàng “tiền đạo”, môi rách khâu 30 mũi
Lứa tuổi chập chững biết đi rất hay bị tai nạn té ngã nếu cha mẹ không thường xuyên theo sát. Cách đây vài ngày, bác sĩ Hà còn chứng kiến một trường hợp chấn thương răng miệng nghiêm trọng hơn cả. Đây là một bé gái, 4 tuổi, ngụ tại TP.HCM, bị té lăn từ 12 bậc thang xuống đất.
Bệnh nhi bị gãy vụn hết nguyên vùng răng phía trước của hàm trên (6 cái). Tới bệnh viện, các bác sĩ xác định xương ổ răng của bé nát vụn. Ca này phải nằm viện một tuần, khâu vùng môi và ổ răng tổng cộng hết 30 mũi.
Theo bác sĩ Hà, ngoài việc suốt 4 năm không có răng cửa hàm trên, em bé còn phải chịu di chứng vùng thắng môi bị co kéo, ảnh hưởng tới thẩm mỹ của khuôn mặt.
Bác sĩ Hà cảnh báo phụ huynh, trẻ em nhất là lứa tuổi chập chững tập đi rất dễ bị vấp, ngã. Tuổi này các bé chưa ý thức được sự nguy hiểm. Do đó cha mẹ cần luôn để mắt tới bé, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Ngày cao điểm, khoa Răng Hàm Mặt của Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận tới 5 – 6 trường hợp cấp cứu vì té ngã làm gãy răng.
Vùng răng sữa mất đi, nướu sẽ bị xơ chai, khiến răng mọc lại có xu hướng chậm hơn bình thường. Đó còn chưa kể, răng mọc lên không có răng cũ hướng dẫn rất dễ lộn xộn, sai vị trí, phải can thiệp chỉnh hình phức tạp.