Sáng 23-9, nguồn tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết bệnh viện vừa cấp cứu bệnh nhi Ng.Kh.Th., 2 tuổi, trú tại Đông Quang, huyện Đông Sơn, nhập viện trong tình trạng vùng da đỉnh đầu rách, bong lóc lộ sọ, mất tổ chức vùng má thái dương phải, lộ mạch máu, rách da vùng cổ... do chó cắn.
Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn, mổ cấp cứu cho cháu suốt 2 giờ.
Người thân bệnh nhi cho biết trước đó trong lúc đang chơi đùa bên nhà hàng xóm, cháu Th. bị con chó hung dữ của gia chủ cắn, gây thương tích nặng.
Sau khi được phẫu thuật, đến sáng 23-9 cháu Th. đã tỉnh táo, vết mổ đã khô, ăn uống được, có thể xuất viện vào cuối tuần này.
Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết mỗi năm bệnh viện tiếp nhận điều trị 20-30 trẻ em bị chó cắn vùng đầu, mặt và nhiều chỗ trên cơ thể.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ bị chó cắn, cần xử lý vết thương kịp thời. Nếu vết thương nhỏ, không chảy máu nên rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước. Vết thương lớn cần cầm máu ép vết thương bằng gạc, vải sạch, hạn chế làm dập vết thương, không được băng kín vết thương và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm phòng dại kịp thời.
Khi trẻ bị chó cắn, cần theo dõi vết thương, biểu hiện của trẻ, theo dõi chó trong 15 ngày tiếp theo, không được đánh chết chó. Người dân tuyệt đối không được dùng thuốc nam, nhờ thầy lang hoặc tự chữa vết thương khi bị chó cắn.