Ngày 11/7, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đang điều trị cho một trường hợp bị tai nạn rất thương tâm.
Bệnh nhi là bé gái tên V. (13 tuổi, quê Kiên Giang). Thông tin ban đầu, vì nhà nghèo, thời gian qua bé V. ngoài giờ học còn tìm việc để kiếm thêm tiền phụ cha trang trải cuộc sống.
Khi xảy ra sự việc, bé đi theo mọi người bẫy chuột đồng để bán thì bị trượt chân, ngã vào máy tuốt lúa đang hoạt động. Hậu quả, toàn bộ da đầu của trẻ bị máy cuốn, gây ra vết thương nặng nề.
Bệnh nhi được người nhà đưa vào một số cơ sở y tế địa phương cấp cứu, trước khi chuyển lên tuyến trên tại TPHCM do vết thương quá nặng. Vì là bệnh nhi nên sau đó, bé tiếp tục được đưa sang Bệnh viện Nhi đồng 1 đêm 5/7.
Lúc này, bệnh nhi trong tình trạng da đầu bị lóc sạch da, lộ xương sọ rộng và nhiễm trùng vết thương nặng.
Ngay trong đêm, ekip điều trị đã tiến hành ca mổ cấp cứu kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Tuy nhiên vì thời điểm được phẫu thuật quá trễ (36 giờ sau khi sự việc xảy ra), vết thương dơ và nhiễm trùng nhiều nên các bác sĩ không thể khâu nối, ghép da cho bé gái.
Hậu phẫu, bệnh nhi được theo dõi sát tại khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, tình trạng vết thương đến nay vẫn còn nặng, dự kiến phải chăm sóc kéo dài.
Ngoài ra, vùng đầu cần phải ghép da, xoay vạt da nhiều lần, nên dù lành cũng rất khó để mọc tóc trở lại.
Thống kê cho thấy, khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 đến nay đã tiếp nhận 2-3 trường hợp trẻ bị chấn thương lóc da đầu nặng.
Vào tháng 5/2020, một bé gái 11 tuổi đang phụ mẹ xay nước đá thì bị quấn tóc vào dây xích của máy, khiến vùng da đầu bị lóc ra khỏi xương sọ.
Theo các bác sĩ, tai nạn do máy cuốn không chỉ gây ra lóc da đầu mà còn có nguy cơ khiến nạn nhân bị cuốn dập nát bàn tay.
Như trường hợp xảy ra ở Nghệ An ngày 8/7, khi bé gái 4 tuổi đang chơi thì bị máy ép nước mía cuốn bàn tay trái vào trong. Hậu quả, ngón tay trỏ của bé không thể cứu, trong khi 4 ngón tay còn lại bị dập nát xương nặng.
Bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần chú ý để trẻ chơi xa các máy cuốn và kể cả quạt máy, nhất là với những bé gái tóc dài. Nếu sự việc không may đã xảy ra, cần sơ cứu cầm máu cho trẻ bằng băng gạc sạch và đưa ngay đến bệnh viện có chuyên khoa vi phẫu nối mạch máu để được xử lý đúng cách, kịp thời.
Với bệnh viện tuyến cơ sở, nếu không có điều kiện can thiệp, cần sơ cứu và chủ động đưa bệnh nhi lên tuyến trên sớm, tránh để vết thương nhiễm trùng, hoại tử nặng không còn khả năng phục hồi.