Câu chuyện đưa vợ đi đẻ có lẽ xưa nay đã trở thành nhiều những mảnh ghép chân thật của cuộc sống. Ở đó là vô vàn tiếng cười và nước mắt của các ông bố bà mẹ chuẩn bị đón đứa con, thế nhưng chuyện đi đẻ còn có cả những cảm xúc thiêng liêng, nhất là đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn lâu năm.
Xúc động kể lại với chúng tôi về hành trình chữa vô sinh hiếm muộn của mình, chị Nguyệt vẫn không giấu được niềm hạnh phúc trong ánh mắt, nụ cười.
Mãi mới có con đến lúc mang bầu lại phải ăn Tết trong bệnh viện
Chị Lê Thị Nguyệt và anh Trần Văn Tuấn (cùng ở Nghệ An) cưới nhau năm 2008, những tưởng hạnh phúc sẽ vẹn tròn khi vợ chồng cưới xong có thêm tiếng cười trẻ thơ. Thế nhưng, một năm, hai năm rồi tám năm trôi qua, hai anh chị vẫn chờ đợi trong vô vọng.
Mãi đến năm 2018, sau chục năm đi qua bao đau khổ, cuối cùng, số phận đã mỉm cười với anh chị. Giữa năm 2017 anh chị tiến hành can thiệp y học bằng phương thụ tinh ống nghiệm. Khó có con là vậy nhưng đến khi mang thai chị lại còn phải trải qua hàng ngàn những thử thách những tưởng ranh giới giữa có con và mất con vô cùng mong manh.
Khi thai được 8 tuần chị Nguyệt bị ra máu ồ ạt và một tim thai ngừng. Trung bình cứ 2 tuần chị lại ra máu một lần. Vì mang bầu có nguy cơ cao nên phải nằm viện ròng rã gần 4 tháng trời.
Vào 8 giờ sáng 27 Tết Âm lịch 2018, trong khi cả gia đình đang bận bịu sửa soạn sắm tết thì chị lướt điện thoại nhận được tin thêm một cặp vợ chồng hiếm muộn mất con do cổ tử cung tụt, hở eo. Đột nhiên lo lắng cho sức khỏe của mình, chị liền hô hào chồng đưa đi viện kiểm tra gấp.
Nhớ lại khoảnh khắc ngày giáp Tết, chị kể: “Hình như mải lo với việc bị ra huyết, mình quên mất việc để ý xem cổ tử cung của thế nào. Mình lo lắng tra google với các từ khóa "hở eo", "cổ tử cung ngắn" tất cả đều dẫn đến một hậu quả chung là sinh non!
Con mới được 26 tuần. Lỡ có việc gì thì bố mẹ biết xoay xở ra sao trong những ngày Tết? Sau một hồi băn khoăn, mình quyết định gọi chồng: "Anh ơi! Có lẽ mình nên đi khám".
Cùng ngày hôm đó, chị đến bệnh viện làm thủ tục khám, sau kiểm tra chị được thông báo tình trạng thai phụ cổ tử cung ngắn, bác sĩ liền chỉ định nhập viện. Anh chị thấy hoang mang, nước mắt chực trào dìu dắt nhau nhập viện. Đến khi được ra viện thì chị lại tiếp tục phải nằm bất động trên giường cho đến ngày mổ được em bé.
Đưa vợ đi đẻ hồ hởi khoe trông hài hước như đứa trẻ
Đến 5/2018 em bé Trần Ngô Nam Phong (tên ở nhà là Bơ) của nhà anh chị chào đời bằng phương pháp sinh mổ khi vừa tròn 38 tuần. Hồi ức lại ngày quan trọng đó, chị Nguyệt chia sẻ: “Sáng ấy, vợ chồng dậy sớm lắm! Quãng đường từ nhà lên viện chỉ mấy chục bước chân thôi. Hễ gặp ai hỏi "đi đâu?" anh chồng cũng đều hồ hởi khoe "đi đẻ!".
Nhìn hài hước như một đứa trẻ nhưng đó là lúc anh hạnh phúc thực sự khi sắp được làm bố. Còn mình không dám nói gì, chỉ mỉm cười, im lặng. Tính mình là thế. Mình không hay nói trước, không dám khoe trước điều gì. Lúc này trong đầu đang bận lo nghĩ đến con. Không biết rồi con sinh ra có khỏe mạnh không, có được lành lặn như bao đứa trẻ khác không...”.
Cũng theo chị chia sẻ, trên hành trình đi tìm nụ cười trẻ thơ ấy tuy có mệt mỏi, chán nản nhưng chị chưa khi nào nghĩ đến chuyện buông xuôi. Bởi bên cạnh chị luôn có một người chồng hiểu và hết mực thương yêu vợ.
Chị Nguyệt kể: “Sau một hành trình mệt mỏi, chồng vẫn luôn dịu dàng. Mười năm đi chạy chữa, đi bệnh viện dưỡng thai, sinh con và sau đó là chăm con, mình chưa bao giờ thấy chồng kêu ca nửa lời. Tốn kém, lại đầy lo lắng, nhưng mình được chồng hỗ trợ hết lòng, từ tiền bạc đến tinh thần.
Những lúc buồn, chuyển phôi nhưng thai không đậu, rồi đến chọc trứng đau đớn mình luôn có chồng ở bên. Rồi khi sinh tử phải bỏ đi một đứa con, chồng lúc nào cũng có mặt. Người ta nói phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng quả không sai các chị em ạ!”.
Với chị Nguyệt, mười năm đi tìm con là chặng đường tuy dài nhưng chị chưa bao giờ cảm thấy cô đơn, bởi chị có người đồng hành tri kỷ luôn sát cánh. Ngày hôm nay, khi ngồi đây trải lòng mình với chúng tôi, chị không quên nhắc đi nhắc lại rằng: “Sau tất cả mình muốn cảm ơn đến ông xã, người đã hy sinh tất cả để gia đình có được hạnh phúc như ngày hôm nay, đó là người đàn ông không ngại khó ngại khổ, làm tất cả vì vợ con. Nhớ lúc vợ ra máu ồ ạt, nhìn anh một mình chạy đi chạy lại, mồ hôi ướt đầm dù là mùa lạnh, không chỉ vợ mà các bác sĩ đều rất thương”.
Từ người đàn ông ham vui với bạn bè, sau các buổi dạy hay tụ tập đánh bóng chuyền anh sẵn sàng bỏ tất cả những thói quen để về chơi với con, lo giặt giũ cơm nước cho vợ. Những ai chứng kiến cuộc sống hiện tại của chị, thậm chí còn ghen tỵ, bởi giờ đây, chị hoàn toàn viên mãn. Anh Tuấn, chồng chị thực sự là một người chồng có trách nhiệm.
Qua câu chuyện của mình, chị Nguyệt cũng muốn chia sẻ để những ai đang trong hành trình tìm con, đừng bao giờ bỏ cuộc. Chỉ cần có niềm tin, rằng bạn sẽ được làm mẹ, bạn sẽ có thể đạt được.