Sáng 27/8, mạng xã hội lan truyền một đoạn video dài hơn 2 phút ghi lại cảnh một phụ nữ trẻ bế con nhỏ còn đỏ hỏn, liên tục bị người chồng (được giới thiệu là võ sư-PV) cao to tát, đám đá và ném sỏi vào người.
Người vợ một tay ôm con, một tay đỡ những “miếng đòn” hiểm từ chồng. Nhưng không dừng lại, chồng còn tức giận và chửi bới ầm ĩ: “Thế mày hỏi ý kiến t... chưa? M... không cho t... xem à”. Rồi sau đó liên tiếp ra tay đánh vợ.
Từ đây, dư luận đặt câu hỏi lớn, đối với “võ sư” bị tố đánh đập vợ dã man có thể bị xử phạt như thế nào? Trao đổi nhanh với PV Phụ nữ sức khỏe, luật sư Phạm Văn Phất - trưởng Văn phòng luật sư An Phát Phạm cho rằng: “Đối với hành vi đánh vợ như trong clip có thể xảy ra hai trường hợp. Nếu như người chồng đánh vợ gây thương tích đến 11% thì người chồng trên có thể còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 BLHS 2015 (sửa đổi năm 2017) trong trường hợp bị hại có đơn tố cáo và giám định thương tích trên 11%.
Còn nếu như giám định thương tích chưa đủ 11% nhưng trước đó người chồng đã cố ý gây thương tích cho người khác và đã bị xử phạt hành chính thì người chồng vẫn có thể bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Không những vậy, nếu như đánh đập vợ và dùng lời lẽ để mạt sát vợ thì còn có thể đưa vào tội hạ nhục người khác heo quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự hoặc tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự”.
Luật sư Phạm Văn Phất phân tích thêm, Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Còn theo điều Điều 49, Nghị định 167/2013/ NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành vi xâm hại sức khoẻ thành viên trong gia đình (cụ thể ở đây là hành vi đánh vợ của chồng) như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
“Tôi nghĩ, hành động của người chồng không chỉ ảnh hưởng đến trực tiếp, tinh thần của người vợ mà nó còn gây xấu đối với những người trong gia đình. Chính vì vậy, cần phải xử lý mạnh tay, có sức răn đe đối với những người đàn ông dùng bạo lực để xử lý việc gia đình”, luật sư Phất cho biết.