Vừa cưới đã thấy chán nhau
“Đừng ném đá mình. Mong cho mình lời khuyên. Mình bầu gần sinh. Chỉ mới cưới 6 tháng mà mình không muốn gần chồng và cảm giác cũng không quan tâm chồng làm gì.
Chồng làm gì mình cũng không thích dù mình không gây nhau, không thích nói chuyện nhiều với chồng. Mình cũng cố gần gũi, ôm khi ngủ nhưng thực sự cảm nhận của mình là nhạt. Luôn luôn có cảm giác hối hận vì đã lấy chồng khi 27 tuổi. Nhìn bạn bè đi chơi, mình cảm giác buồn, ganh tị. Đây là do mình ít kỉ hay hiện tượng trầm cảm vậy?”.
Lời thỉnh cầu của một bà bầu trên một diễn đàn mạng mới đây đã thu hút sự chú ý của các mẹ bỉm sữa. Có người lý giải do không còn tình yêu, có người cho rằng bà mẹ có quãng thời gian độc thân quá lâu nên khi lấy chồng cảm thấy “bỡ ngỡ”, “không quen”.
Không ít người phụ nữ đang lâm vào tình cảnh trớ trêu này. Vợ chồng mới cưới đã thấy “chán tận cổ”, tiếp tục hôn nhân thì chán mà ly hôn thì không dám. Thành thử mạnh ai nấy sống và tổ ấm biến thành “tổ lạnh”.
Chị Ngọc (35 tuổi, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết vợ chồng chị từng lâm vào hoàn cảnh cả tháng không ăn hết nổi 5kg gạo. Lý do chỉ vì vợ chồng ai cũng bận đi làm, cả tuần không ăn cơm cùng nhau, con cái “gửi cơm” nhà ông bà ngoại.
Vợ chồng mạnh ai nấy sống là câu chuyện đáng báo động trong cuộc sống gia đình ở thành phố.
Rất nhiều cặp vợ chồng sống cùng một nhà nhưng cảnh “cơm hàng cháo chợ” hơn cơm nhà, cả tuần không nói chuyện, về đến nhà là ôm điện thoại… Điều đó dẫn đến tình trạng “đồng sàng dị mộng”, sống cùng nhà nhưng mỗi người là một thế giới riêng.
Tự do quá hóa ly hôn
Nói về hiện tượng này, chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hoà cho biết rất nhiều cặp vợ chồng trẻ đã gọi điện, đến gặp nhờ ông tư vấn vì không chịu được cảnh sống chung mỗi người một kiểu.
Có trường hợp dù đã gia đình rồi nhưng vẫn đòi hỏi được tự do đi qua đêm, tự do ngoại tình.
Cuộc sống đô thị hiện đại, độ tuổi kết hôn muộn, thời gian độc thân kéo dài ra cộng thêm trào lưu học đòi lối sống “tự do” của phương Tây, cho nên đến khi kết hôn, thói quen tự do vẫn duy trì như một “quán tính”.
Người nào thời gian độc thân càng dài, “quán tính” đó càng mạnh”.
“Tuy nhiên, ở các nước phương Tây, truyền thống vợ chồng bình đẳng có từ lâu đời. Do đó thế hệ sau học tập được kinh nghiệm của thế hệ trước bình đẳng là như thế nào.
Nhưng ở ta, đi lên từ một xã hội “chồng bảo sao vợ nghe vậy”, chưa có nền tảng của gia đình bình đẳng đã dẫn đến tình trạng bình đẳng nửa vời, không ai bảo được ai về cả tinh thần, lối sống lẫn tài chính trong nhiều gia đình trẻ.
Vì thế, khi xảy ra mâu thuẫn, họ nghĩ ngay tới việc ly hôn để “dọa nhau” hoặc vội vã ly hôn mà ít khi ngồi nói chuyện bình tĩnh. Việc thiếu kỹ năng sống cùng nhau là một trong những nguyên nhân khiến các đôi vợ chồng trẻ chán chường nhau rồi đưa nhau ra tòa ly dị”, chuyên gia nhận định.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, đương nhiên cuộc sống hiện đại bận rộn, vợ chồng đều cần có sự tự do, được tôn trọng ý kiến cá nhân, sở thích của nhau.
Thế nhưng nếu mỗi người đều chỉ khăng khăng giữ ý kiến, trượt dài theo sở thích của mình mà quên mất mái ấm gia đình thì hạnh phúc sớm muộn cũng chông chênh, thậm chí tự do thái quá sẽ khiến cuộc hôn nhân trở nên lạnh lẽo và đi vào ngõ cụt.