Nguy hại khi sử dụng thuốc lá điện tử trộn ma tuý
Theo đánh giá của nhiều tổ chức trên thế giới, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 (giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%). Đặc biệt, thuốc lá điện tử đã và đang xâm nhập vào một bộ phận giới trẻ, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ của thanh, thiếu niên Việt Nam.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau COVID-19 là đại dịch của các bệnh không lây nhiễm. Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là một hoá chất gây nghiện cao, là nguyên nhân dẫn đến nghiện nicotine và các nguy cơ khác bao gồm các bệnh tim, phổi cùng nhiều bệnh khác.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê lo ngại về tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng trong lứa tuổi học sinh, sinh viên, đặc biệt là ma tuý “núp bóng”, thuốc lá gây ảnh hưởng khôn lường đến sức khoẻ của thế hệ thanh, thiếu niên. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do thuốc lá điện tử đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, TP. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới. Nicotine trong thuốc lá điện tử ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thanh, thiếu niên như: Làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh, thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài, trong đó là nghiện, rối loạn nhân thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần,
Điển hình, vào ngày 17/8/2022, Bệnh viện 199 - Bộ Công an (đóng tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, Khoa Cấp cứu của bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân nghi ngộ độc khi hút thuốc lá điện tử bơm tinh dầu. Bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng choáng váng, hồi hộp, tay chân run, sau đó rơi vào hôn mê.
Ngày 22/8/2022, bảy học sinh trường THPT Dân lập Yên Hưng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh chia nhau một điếu thuốc lá điện tử rồi cùng nhau hút sau đó cảm thấy chóng mặt và nôn trong lớp. Cả nhóm được đưa đi cấp cứu Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên.
Tiếp đó, ngày 31/8/2022, hai nam sinh lớp 12 Trường Cao đẳng tiếng Việt Hà Tĩnh - Đức Công nghệ có biểu hiện trợn mắt, la hét và có những hành động mất kiểm soát ngay trong lớp học. Sau đó, các em nói rằng đã sử dụng thuốc lá điện tử.
Nên cấm trước khi quá muộn
Hiện thuốc lá điện tử có hơn 20.000 hương liệu, hoá chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma tuý thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma tuý và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên hệ qua lại giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma tuý, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Pha trộn ma tuý vào thuốc lá điện tử đã được ghi nhận tại Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Giám định ma tuý – Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Những hệ luỵ này ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.
Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là sản phẩm gây nghiện, gây hại cho sức khoẻ. Vì vậy, không nên thí điểm một sản phẩm gây hại cho sức khoẻ. “WHO khuyến cáo với sản phẩm chưa trở lên phổ biến thì phải có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu, nếu để phổ biến rồi mới ra ngăn chặn thì hậu quả lớn đã xảy ra”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) nhấn mạnh.
Theo BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam, hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. WHO khuyến cáo nên duy trì và tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và bán để ngăn chặn, hạn chế tiếp cận nhằm ngăn ngừa sự gia tăng tỷ lệ dùng giới trẻ. Đồng thời, tăng cường thực thi chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm này, để giảm thiểu tối đa sự tiếp cận và sử dụng của giới trẻ. Hiện trên thế giới đã có ít nhất 34 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn sản phẩm thuốc lá điện tử, trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.
Đại diện Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, thời gian tới, cần tăng cường công tác nắm bắt, quản lý, xử lý các vi phạm liên quan. Có cơ chế xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng với mọi hình thức. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nhằm cấm triệt để người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; bán và cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Đồng thời, tăng cường truyền thông nâng cao hiểu biết của người dân, đặc biệt là lứa tuổi học sinh về tác hại của thuốc lá và trách nhiệm của cha mẹ, các nhà trường, giáo viên trong công cuộc phòng, chống tác hại của thuốc lá.