Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm sáng nay cho biết, hiện bão số 6 cách đất liền khoảng 250km, có sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 13.
Nếu bão đi với tốc độ 10-15km/h thì khoảng 15-16 tiếng nữa (sau 22h hôm nay) sẽ đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Vùng ảnh hưởng trực tiếp tập trung ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà.
Trung tâm nhận định các khu vực ven biển ảnh hưởng bắt đầu từ chiều tối và đêm nay với mưa lớn và . Tại Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà sẽ có lượng mưa từ 200-300mm, các khu vực xung quanh từ 100-200mm.
Dự báo hướng đi của bão số 6. Ảnh: NCHMF
Mưa tập trung chiều và đêm nay, sáng mai lượng mưa giảm dần. Mưa mở rộng ra phía Bắc vào ngày mai nhưng không lớn.
Về tình hình sóng, khu vực ngoài khơi sóng cao từ 4-6m, ở Phú Yên có thể lên cao nhất 7m.
Còn 4 tàu vỏ thép đang cập cầu cảng Đề Gi, Bình Định tiềm ẩn nhiều rủi ro va đập. Ảnh: Phúc Nhơn
Từ nay đến ngày 12/11, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Cụ thể, Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Đắk Nông, Lâm Đồng từ 100-150mm; Bình Định đến Khánh Hòa là 200-300mm, cục bộ có nơi trên 300mm; Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk từ 100-200mm.
Tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.
Đặc biệt các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra ngập lụt diện rộng và ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa thủy lợi xung yếu.
7 tỉnh cấm biển
Theo báo cáo, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 phương tiện/243.063 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để tránh.
Một bè nuôi thuỷ sản trên vùng biển vịnh Vân Phong (Khánh Hoà) được người dân kiểm tra, gia cố trước khi bão đổ bộ. Ảnh: TTXVN
Bộ Ngoại giao đã có công hàm đề nghị một số nước, vùng lãnh thổ tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền Việt Nam được trú, tránh và hỗ trợ cứu nạn khi có yêu cầu.
Bộ Quốc phòng, UB Quốc gia ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn đã huy động hơn 250.000 cán bộ chiến sỹ, 2.300 phương tiện trực sẵn sàng ứng phó.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát cơ động sẵn sàng giúp dân sơ tán, cũng như chằng chống nhà cửa cho dân.
Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hoà đã ban hành lệnh cấm ra khơi. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cũng có kế hoạch cho học sinh nghỉ học vào ngày mai.
Ngoài ra, các địa phương đã lên kế hoạch di dời tổng cộng 44.503 hộ/ 181.188 người tại các khu vực nguy hiểm ven biển, trên đảo, các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất.
Đến 6h sáng nay, tỉnh Phú Yên đã di dời 152 hộ/693 người ở khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở đến nơi trú tránh an toàn; tỉnh Bình Định sơ tán dân khu vực trọng điểm, đặc biệt các hộ dân tại khu vực kè Nhơn Hải.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tránh bão. Ảnh: Phúc Nhơn
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các đơn vị liên quan nắm bắt thông tin để cung cấp cho người dân nắm diễn biến bão để ứng phó kịp thời.
Ông lưu ý việc không để người dân vì hiếu kỳ xem bão mà ra ngoài rất nguy hiểm. Đảm bảo tốt tình hình an ninh, vì trước đó có sự việc các đối tượng lợi dụng người dân Khánh Hoà đi sơ tán tránh bão Damrey (năm 2017) đã lấy trộm đồ.
Kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, lồng bè thủy sản tại các khu neo đậu, tránh trú (kể cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch); chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực thường xảy ra sự cố.
Di dời, sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, cửa sông, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu.