Theo kết quả điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại 34 tỉnh của Việt Nam năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành đã tăng tới 18 lần - từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 với tỷ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi khác. 52% người trong độ tuổi 15-24 từng nghe tới thuốc lá điện tử; 7,3% người trong độ tuổi 15-24 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử...
Năm 2022, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi từ 13-15 sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam là 3,5%, tăng rất đáng kể so với năm 2019. Trong đó, học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%. Mạng internet là nơi có tỷ lệ học sinh mua thuốc lá điện tử nhiều nhất (22,1%) và kênh quảng cáo thuốc lá điện tử nhiều nhất là mạng xã hội.
Ông Đào Thế Sơn - chuyên gia kinh tế về thuốc lá và buôn lậu thuốc lá của WHO nhấn mạnh: Nếu không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ.
Đáng lo ngại hơn, bất chấp những tác hại nặng nề mà thuốc lá điện tử có thể gây ra cho sức khỏe, bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, thậm chí là người trưởng thành vẫn mang quan niệm thuốc lá điện tử có thể dùng để cai thuốc lá truyền thống hay thuốc lá điện tử không gây nghiện, ảnh hưởng tới sức khỏe….
TS Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định: Nhiều bạn trẻ cho rằng thuốc lá điện tử là vô hại, không gây nghiện và không ảnh hưởng đến sức khỏe như thuốc lá điếu truyền thống. Tuy nhiên, thực tế và khoa học lại chứng minh điều ngược lại. Thậm chí, thuốc lá điện tử còn bị các đối tượng trộn ma túy và nhiều chất cấm khác, gây ngộ độc cho nhiều người sử dụng. Một tác hại khác của thuốc lá điện tử là khuyến khích trẻ em bắt đầu sử dụng từ sớm, dẫn đến một thế hệ lớn những người trẻ tuổi nghiện nicotine và gặp phải những hệ lụy tiềm tàng trong tương lai do dùng thuốc lá điện tử lâu dài.
Thực tế, theo thống kê sơ bộ tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), từ năm 2020 đến nay, chỉ riêng Trung tâm đã tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử. Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cũng ghi nhận không ít trường hợp thanh thiếu niên phải nhập viện vì rối loạn tâm thần do sản phẩm độc hại này. Trong khi đó, trên phạm vi cả nước, rất nhiều bệnh viện cũng ghi nhận các bệnh nhân trẻ tuổi phải nhập viện do thuốc lá điện tử.
Theo BS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đối với thanh thiếu niên, não bộ đang trong quá trình phát triển, lúc này, não đang rất cần môi trường hết sức trong lành để trưởng thành. Nếu trong thời điểm này lại bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá, bị ảnh hưởng bởi những cất độc hại có trong khói thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng, chắc chắn sự phát triển của não sẽ không được bình thường như những trường hợp không hút thuốc. Quá trình tiếp thu kiến thức, quá trình trưởng thành của não bộ đều sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Không dừng lại tại đó, theo chuyên gia, thuốc lá điện tử khi vào cơ thể sẽ gây ra vô số những ảnh hưởng đến sức khỏe bởi hầu hết các chất đều có trong thuốc lá điện tử gây hại cho sức khỏe. Ví như nicotine có khả năng gây phụ thuộc về mặt tâm thần; glycerine có thể gây viêm phổi; chất tạo hương vị; chất dẫn khác nhau tùy theo từng hãng, nhãn hiệu chủ yếu bao gồm nitrosamine, formaldehyde, acetaldehyde là các chất có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, có nhiều chất khác chưa được kiểm duyệt thường được bổ sung sai cách vào buồng đệm chứa dịch, là nguyên nhân chính dẫn đến việc gây độc hoặc lạm dụng phối hợp các chất ma túy khác.