Mùa bão năm nay được nhận định đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Đến nay, Biển Đông ghi nhận một cơn bão có tên quốc tế CHABA, hình thành từ một vùng áp thấp trên đảo Luzon (Philippines) đi vào Biển Đông, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới sau đó mạnh lên thành bão vào sáng 30/6. Đây là cơn bão phức tạp với cường độ thay đổi liên tục, chỉ một ngày mạnh lên 3 cấp. Bão sau đó đổ bộ vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) ngày 1/7, ảnh hưởng một phần khu vực Đông Bắc nước ta.
Dù đến muộn nhưng mùa bão năm nay được nhận định phức tạp, khó lường do tác động của trạng thái La Nina còn duy trì đến hết năm 2022. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ nay đến tháng 1 năm 2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 9-11 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng từ 4-6 cơn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Dự báo gần nhất cho thấy, từ nay đến khoảng 10/8, trên Biển Đông có thể đón 1-2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới.
Cơ quan khí tượng lưu ý, những năm La Nina tác động, cần đề phòng xảy ra bão dồn dập trong các tháng cuối năm. Ngoài ra, nguy cơ cao xuất xuất hiện các cơn bão mạnh, diễn biến bất thường, trái quy luật.
Cũng do tác động của La Nina, từ tháng 10-11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập. Kịch bản bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ như năm 2020 có thể tái diễn, kéo theo đó là nguy cơ ngập úng, sạt lở đất.
Dự báo, tháng 10/2022, tổng lượng mưa ở Bắc Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 10-25% so với trung bình nhiều năm. Khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 30-60%, có nơi trên 70%.
Tháng 11/2022, tại Bắc Trung Bộ tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm với xác suất khoảng 60-70%, riêng khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 20-40%, có nơi trên 50%.
Tây Nguyên trong hai tháng 10 và 11, tổng lượng mưa cũng dự báo cao hơn từ 30-60% so với trung bình nhiều năm, riêng trong tháng 10 có nơi có thể cao hơn tới 70%.