4 ngày trước, bệnh nhi ở Hà Giang được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) điều trị viêm tiểu phế quản bội nhiễm. Trong quá trình điều trị bệnh nhi đã được dùng thuốc cefotaxim 2g (Biotax 2g) đường tiêm tĩnh mạch theo y lệnh của bác sĩ.
Sáng 25/10, 5 phút sau khi được tiêm, bé quấy khóc, đỏ vùng cổ, mặt, ngực, tím môi, mạch nhanh. Ngay lập tức điều dưỡng phát hiện, ấn chuông báo động toàn viện. Các bác sĩ xác định nhanh bệnh nhi bị sốc phản vệ, chỉ định tiêm adrenalin ngay.
Sau 5 phút trẻ nổi vân tím toàn thân, da tím tái, mạch nhanh, nồng độ oxy trong máu 96%, các bác sĩ tiếp tục chỉ định tiêm adrenalin đợt 2. Tuy nhiên, trẻ vẫn diễn biến xấu, mạch nhanh hơn nữa, tím tái toàn thân. Các bác sĩ tiếp tục tiêm adrenalin đợt 3, bóp bóng oxy và chuyển khoa hồi sức cấp cứu đặt nội khí quản thở máy, dùng adrenalin truyền liên tục.
Sau 3 giờ cấp cứu tích cực bệnh nhi được bỏ thở máy, chuyển thở oxy kính. Sau 12 giờ, bé không phải thở oxy, tình trạng sức khỏe ổn định.
Bác sĩ Lương Minh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết, khi nhận được tín hiệu báo động có bệnh nhân phản vệ, các bác sĩ khoa hồi sức tích cực đã nhanh chóng hỗ trợ cấp cứu bệnh nhi. "Bệnh nhi quá nhỏ và đã sử dụng liên tiếp 3 đợt adrenalin nhưng tình trạng tình trạng phản vệ không có chiều hướng thuyên giảm, chúng tôi đã quyết định truyền adrenalin qua đường tĩnh mạch liên tục. Sau khi được cấp cứu kịp thời hiện tại bệnh nhi đã ổn định và tiếp tục được theo dõi sát tại khoa", bác sĩ Tuấn nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, nguy cơ phản vệ có thể xảy ra ở mọi nơi, không báo trước và cực kỳ nguy hiểm. Chính vì vậy người dân không nên tự ý sử dụng các kỹ thuật tiêm truyền tại nhà. Đến bệnh viện thăm khám và điều trị là lựa chọn an toàn và duy nhất.