Bệnh nhân người Ấn Độ này bị tiểu đường và chấn thương cột sống từ 15 năm trước. 10 năm nay ông đã phải liên tục đến bệnh viện do di chứng tích dịch vùng bụng.
Không chỉ có vậy, bệnh nhân cũng có tiền sử bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu. Tiêu tiểu mất kiểm soát, táo bón, vấn đề đường tiết niệu dưới. Ông bị khó khăn khi đi tiêu tiểu do chứng tiểu đường.
Các bác sĩ khám cho ông tại bệnh viện Đại học Y King George's phát hiện ông bị đau bụng sưng to. Bản chụp phim cho thấy bàng quang ông đã phình lên khổng lồ, gấp 6 lần bàng quang bình thường.
Bác sĩ ngay lập tức phải phẫu thuật để hút dung dịch trong bàng quang bệnh nhân. Trong 4 tiếng, họ đã rút được gần 11 lít nước tiểu, nhiều hơn 18 lần so với lượng nước bàng quang có thể tích trữ bình thường (bàng quang bình thường chỉ trữ khoảng 400-600ml nước).
Sau vài ngày, bụng và chân bệnh nhân đã bớt sưng. Kiểm tra sâu hơn cho thấy ông bị bàng quang kém hoạt động và có độ lưu thông kém, nghĩa là bàng quang của ông không thể tự làm rỗng hoàn toàn khi đi vệ sinh. Do đó, bệnh nhân phải đến bệnh viện định kỳ để làm sạch bàng quang. Sau 6 tháng, ông đã khỏe mạnh hơn và chức năng bàng quang hầu như đã trở lại bình thường.
Theo các bác sĩ, bàng quang khổng lồ là trường hợp vô cùng hiếm gặp. Chỉ có 1 số ít ca được báo cáo trong y khoa, và thường chứa dưới 5 lít nước. Đây là ca bệnh bàng quang lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử.
Nguyên nhân gây chứng phình bàng quang bao gồm tiểu đường, bệnh về tuyến tiền liệt, van niệu đạo, các bệnh thần kinh như tổn thương tủy sống; đa xơ cứng và phẫu thuật vùng bụng, vùng chậu trước đó.