Trong rau muống có 92% nước, 3,2% protit, 2,5% gluxit, 1% xenluloza, 1,3% tro. Hàm lượng muối khoáng cao cùng với các loại khoáng chất như canxi, phốtpho, sắt. Vitamin có caroten, vitamin C, B1, PP, B2.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Chúng ta vẫn sử dụng rau muống để ăn hàng ngày nhưng ít ai biết rằng bạn hoàn toàn có thể sử dụng nó để chữa nhiều bệnh thường gặp. Trong Đông y, rau muống có vị ngọt, tính hơi hàn, khi được nấu chín sẽ giảm tính lạnh đi, đi vào các kinh, tâm, can, tiểu trường, đại trường. Loại rau này có công dụng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, lợi thủy, giải độc cơ thể trong các trường hợp ăn phải nấm độc, thịt cá có độc, côn trùng có độc…".
Thanh nhiệt giải độc
Ăn rau muống luộc tốt cho bà mẹ có thai thiếu sắt, bà mẹ đang cho con bú, người bị táo bón, tiểu đục,tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, trẻ còi xương (lấy nước rau muống quấy bột).
Chứng kiết lỵ
Thường gặp mùa hè thu (ban đầu bị tiêu chảy do thấp nhiệt sau chuyển sang kiết lỵ, phân có nhầy màu đỏ trắng, đau thắt bụng): lấy một bó rau muống tươi nhặt rửa sạch, thêm một ít vỏ quýt khô để lâu (trần bì) nấu với nhiều nước, lửa nhỏ trong vài giờ rồi uống.
Đau dạ dày, nóng ruột, ợ chua, miệng khô đắng
Rau muống 20g, rau má 20g, rau sam 16g, cỏ mực 20g, vỏ quýt khô 12g. Tất cả sao qua cho vào ấm, đổ 500ml nước, sắc còn 250ml chia 2 lần uống lúc đói.
Khí hư bạch đới
Rau muống cả rễ 500g, hoa râm bụt trắng 250g hầm với thịt lợn hoặc thịt gà, ăn thịt uống nước.
Đái tháo đường
Rau muống 60g, râu ngô 30g nấu nước uống (rau muống tía tốt hơn rau muống trắng).
Quai bị
Rau muống 200 - 400g luộc kỹ, ăn cả cái lẫn nước. Có thể pha đường vào nước rau.
Lở ngứa, loét ngoài da, zona
Ngọn rau muống và lá cây vòi voi rửa sạch giã nhuyễn với ít muối đắp lên.