Bệnh viện dã chiến được xây dựng ngay trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai.
"Đây là phần kịch bản dự phòng để bệnh viện sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất", giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Theo ông Tuấn, số lượng người có mặt tại bệnh viện hiện tại khoảng gần 3.500. Trong đó có 800 bệnh nhân không thể xuất viện hoặc chuyển tuyến dưới, 552 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận. Bệnh viện vẫn tổ chức chạy thận 4 kíp liên tục.
Người nhà bệnh nhân được Bộ Quốc phòng chuyển đi cách ly tập trung tại khu Hòa Lạc. Số ít còn lại ở bệnh viện là người nhà của những bệnh nhân có nguy cơ tử vong (do bệnh lý khác) như bệnh nhi, sản phụ... đều được kiểm soát và có khu vực riêng.
Theo bác sĩ Tuấn, thực tế hiện nay tại bệnh viện khá khó khăn.
"Hiện, 3.500 con người trong bệnh viện không thể đi ra ngoài mua sắm đồ dùng, vật dụng cá nhân. Mọi cái từ nhỏ nhất như bàn chải, kem đánh răng đều do bệnh viện cấp", giáo sư nói. Các chuyến hàng chuyển đến để hỗ trợ cho bệnh viện đều rất khó để có thể qua được chốt kiểm soát của công an.
Ngoài ra, nhà ăn của bệnh viện chính là nguồn lây nhiễm khiến vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh và các nhân viên y tế trở nên khó khăn hơn. Bạch Mai đã phong tỏa khu nhà ăn và cách ly toàn bộ người làm việc tại đây và liên hệ một công ty chuyên cung cấp suất ăn cho hàng không.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạn chế về dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế phải làm việc 24/7. Bên cạnh đó, còn các suất ăn bệnh lý cho bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhi, bệnh nhân ăn qua sonde...
Đặc biệt, khi lãnh đạo thành phố Hà Nội ra quyết định cách ly tất cả người liên quan từ ngày 12/3 đến nay, toàn bộ y bác sĩ bệnh viện bị địa phương "coi như là bệnh nhân dương tính".
"Họ bị địa phương yêu cầu ở tại chỗ, không di chuyển, gây khó khăn cho y bác sĩ đi lại. Ca trực trước xong rồi, ca sau phải đến nhưng người trong viện không thể ra khỏi còn y bác sĩ từ ngoài không thể đến viện", bác sĩ Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thông tin trong cuộc họp trực tuyến Bộ Y tế với 300 điểm cầu từ Hà Tĩnh trở ra, chiều 29/3.
"Việc cách ly gây rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị tiếp", bác sĩ nhấn mạnh.
Đến sáng 30/3, Việt Nam ghi nhận 194 ca Covid-19, trong đó có 25 người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. 28 người khỏi bệnh gồm 25 người đã ra viện. 65 bệnh nhân đang điều trị tại nhiều cơ sở y tế có kết quả xét nghiệm âm tính 1-4 lần.
Những bệnh nhân nặng và rất nặng cũng có những tín hiệu tích cực. Một bệnh nhân nam người Việt được rút ống nội khí quản. Nữ bệnh nhân phải đặt ECMO cũng được hy vọng cai dần ECMO, chuyển sang thở máy.
Riêng Bệnh viện Bạch Mai hôm qua đã có hơn 5.000 mẫu kết quả xét nghiệm âm tính trên tổng 7000 mẫu.