Bác sĩ 49 tuổi của bệnh viện NewYork-Presbyterian Allen tử vong hôm 26/4 tại nhà ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, nơi bà đang sống cùng gia đình.
Tyler Hawn, phát ngôn viên Sở Cảnh sát Charlottesville, cho hay họ đã nhận được một cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ y tế khẩn cấp. "Nạn nhân được chuyển tới bệnh viện điều trị nhưng sau đó không qua khỏi do các vết thương tự gây ra", ông Hawn nói.
Bác sĩ Lorna Breen, 49 tuổi, trưởng khoa cấp cứu của bệnh viện NewYork-Presbyterian Allen. Ảnh: NY Post
Bác sĩ Philip Breen, cha của Lorna, cho biết con gái ông bị nhiễm nCoV trong khi làm việc và được cho về nhà nghỉ ngơi một tuần rưỡi, nhưng sau đó vẫn quay lại làm việc. Bệnh viện một lần nữa chuyển bà về nhà và gia đình đã đưa Lorna về Charlottesville.
"Con gái tôi đã cố gắng làm công việc của mình và công việc đã giết nó", ông Philip nói.
Lorna không có tiền sử bệnh tâm thần, nhưng khi nói chuyện lần cuối, bà đã kể với bố về nỗi kinh hoàng khi phải liên tiếp chứng kiến những bệnh nhân ra đi, trong đó có những người tử vong ngay trước cả khi được đưa ra khỏi xe cứu thương.
"Lorna thực sự đã đứng trong những chiến hào của tuyến đầu", ông Philip nói. "Con gái tôi chắc chắn sẽ được ngợi ca như một người hùng. Lorna chỉ là một người đã chết như bao người khác".
Trong một thông cáo, bệnh viện NewYork-Presbyterian Allen ca ngợi bà Lorna là một anh hùng, "người mang tới những ý tưởng y học cao nhất cho chiến tuyến đầy thách thức của khoa cấp cứu". Bệnh viện NewYork-Presbyterian Allen nằm ở phía bắc Manhattan, với 200 giường bệnh, và có lúc tiếp nhận tới 170 bệnh nhân mắc Covid-19. Đến hôm 7/4, 58 bệnh nhân đã tử vong tại đây.
Ngoài công việc, bác sĩ Lorna dành thời gian cho bạn bè, các sở thích và những môn thể thao như trượt tuyết. Bà không phải là nhân viên y tế đầu tiên ở New York tự tử liên quan tới đại dịch đang hoành hành thành phố này. Cách đó hai ngày, một nhân viên y tế khẩn cấp quận Bronx, 23 tuổi, đã tự sát bằng súng.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, hiện ghi nhận gần một triệu ca nhiễm nCoV, trong đó gần 56.000 ca tử vong. Tâm dịch New York báo cáo gần 300.000 ca, gồm hơn 17.300 ca tử vong.
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho hay sang chấn tâm lý mà Covid-19 gây ra đang trở thành một cuộc khủng hoảng thật sự. Nhóm có nguy cơ cao bị sang chấn tâm lý là các nhân viên y tế tuyến đầu và những người mất người thân, theo giáo sư Debra Kaysen, chủ tịch hiệp hội quốc tế nghiên cứu về vấn đề này tại đại học Stanford.