Nhập viện sau bữa tất niên
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết khoa vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Đ.V.L (27 tuổi, Bắc Ninh) nhập viện sau khi ăn tất niên với bạn bè ngay trong đêm 30/1.
Tối 30/1, bệnh nhân L. và 12 người bạn tổ chức liên hoan tất niên. Buổi tiệc cả nhóm uống khoảng 8 - 9 chai rượu 500ml.
Sau khi uống xong, anh L. có dấu hiệu mệt, nôn nhiều và xỉu. Ngay lập tức bạn nhậu đã đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc.
Bác sĩ Tuấn cho biết khi tiếp nhận lúc đó khoảng 2h sáng ngày 31/1, bệnh nhân L. trong tình trạng bất tỉnh, lơ mơ không biết gì. Bệnh nhân lập tức được xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy kali máu, đường máu của bệnh nhân hạ thấp, rối loạn nhịp tim.
Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh bệnh nhân L. được bạn bè đưa vào cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm tới tính mạng.
Cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, trường hợp của nam thanh niên Đ.A.H. (28 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau bụng, mệt mỏi, chán ăn.
Bệnh nhân vừa tổ chức nhiều tiệc tất niên từ cuối tuần trước và do uống quá nhiều bia rượu nên bị viêm tuỵ cấp. Trường hợp của Đ. A.H. viêm tuỵ cấp nhẹ nên sau 3 ngày điều trị tình hình sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định hơn.
Anh H. uống rượu gần chục năm nay. Dù mọi người can ngăn nhưng anh vẫn bỏ ngoài tai vì nghĩ khả năng mình uống tốt, uống xong không “nát” nên vẫn cứ uống bình thường và đến nay chưa kịp "nát" thì anh suýt mất mạng vì viêm tuỵ cấp. Bác sĩ cho biết nếu chỉ chậm trễ, bệnh sẽ rất nguy hiểm, khả năng cứu cũng khó.
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai,cho biết rượu bia gây ra 200 bệnh khác nhau trong đó nguy hiểm và diễn biến nhanh đó là viêm tuỵ cấp, ngộ độc methanol.
Nhiều bệnh nhân đến viện khi được hỏi uống rượu như thế nào thì những người uống cùng đều kể ra các loại rượu trắng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường. Điều này tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc methanol công nghiệp rất cao vì nhiều người ham lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán thu lời.
Cần làm gì khi say?
Theo bác sĩ Nguyên, ngày Tết nên hạn chế rượu bia và cách tốt nhất khi uống rượu đó là chọn rượu có nguồn gốc rõ ràng, rượu nhẹ…
Khi uống rượu chỉ nên uống trong giới hạn cho phép và tuyệt đối không lái xe khi đã uống bia rượu.
Nhiều người sau khi uống rượu có dấu hiệu mệt, nôn ói, hạ đường huyết, chân tay lạnh cần được ủ ấm và cho người bệnh ăn uống các loại có đường.
Tuyệt đối không sử dụng nước chanh. Bác sĩ Nguyên cho biết nhiều người nghĩ chanh chua có thể giải rượu tốt nên khi uống rượu say sẽ uống thêm ly nước chanh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyên nước chanh không tốt cho người say rượu bởi trong thành phần của quả chanh có nhiều axit. Axit này sẽ kết hợp với rượu dễ gây nôn nhiều thêm và đặc biệt sẽ gây tổn thương dạ dày.
Bác sĩ đã chứng kiến có những người say ngủ, được vợ gọi dậy cho uống cốc nước chanh giải rượu và kết quả thường ngủ trong lúc say gây nôn trong lúc ngủ dịch nôn, thức ăn có thể chui vào phổi gây sặc, ngạt thở. Khi vợ gọi dậy ăn tối thì chồng đã tử vong không biết từ khi nào.
Ngoài ra, không uống các loại thuốc giải rượu. Bác sĩ Nguyên khuyến cáo không uống giải rượu vì nó không có tác dụng giải rượu như người bán quảng cáo. Thuốc giải rượu không phải cứ say uống 1-2 viên giải rượu là tỉnh như các quý ông thường truyền tai nhau. Thực tế, tại trung tâm chống độc nhiều bệnh nhân tới viện cấp cứu và khi tỉnh lại họ nói sao đã uống thuốc chống say mà vẫn say.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo khi uống rượu phải từ từ trong bữa ăn kết hợp với sử dụng đồ ăn, xen kẽ với nước lọc; không dùng rượu bia không rõ nguồn gốc; không nên uống nhiều loại rượu cùng lúc.