GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị Covid-19, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, bệnh nhân cũng đã tự thở, tự ăn và liên tục có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Dự kiến, bệnh nhân có thể được công bố khỏi bệnh trong vài ngày tới.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, bệnh nhân 20 là một ca bệnh rất nặng, được tiên lượng nguy kịch. Bệnh nhân đã từng được chỉ định chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo) trong vòng 17 ngày. Sau khi vừa bỏ ECMO, bệnh nhân đã xuất hiện 3 lần ngừng tim. May mắn, nhờ sự giám sát, theo dõi cấp cứu kịp thời của các bác sĩ, bệnh nhân đã thoát được "cửa tử".
TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cũng cho biết, nếu không có gì thay đổi, vài ngày tới, bệnh nhân 20 sẽ được công bố khỏi bệnh. Bởi hiện tại, bệnh nhân đã vượt qua thời kỳ nguy hiểm, sức khỏe đã tốt lên. Bệnh nhân không chỉ ăn, uống được, mà còn nói chuyện tốt.
Đề cập đến quá trình điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19, GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết, lâm sàng tổn thương phổi do vi rút SARS-CoV-2 rất khác với vi rút gây bệnh SARS hay cúm mùa. Vi rút SARS-CoV-2 làm tổn thương rìa phổi trước, sau đó mới lan dần vào trung tâm. Đây chính là nguyên nhân lý giải vì sao ở thời kỳ đầu, nhiều bệnh nhân Covid-19 thường không có biểu hiện rõ ràng. Oxy của bệnh nhân vẫn tương đối tốt, trao đổi bình thường. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, từ những nốt tổn thương mờ, tập hợp thành nhiều nốt, dần dần sẽ làm bệnh nhân suy hô hấp.
"Với các bệnh nhân nặng, việc điều trị được áp dụng cá thể hóa, tức phương pháp ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ, biểu hiện bệnh", GS.TS Nguyễn Văn Kính nói.