Một vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn vừa xảy ra tại Trường iSchool Nha Trang, trong đó có 1 trẻ tử vong và hàng trăm trẻ khác phải nhập viện cấp cứu. Nguyên nhân đang được cơ quan chức năng điều tra.
Bệnh do thực phẩm, trong đó có ngộ độc, là vấn đề toàn cầu. Nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi, ở mọi hoàn cảnh, đặc biệt trẻ em dưới 5 tuổi và người già trên 65 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật.
Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), mỗi năm, Hoa Kỳ có 48 triệu trường hợp mắc bệnh, 128.000 ca nhập viện và 3.000 ca tử vong, nguyên nhân do vi khuẩn gây ra.
Theo số liệu thống kê ở Australia, cứ 5 người sẽ có 1 người mắc các bệnh mỗi năm, với hơn 30.000 ca nhập viện.
Tại Việt Nam, số liệu thống kê năm 2021, toàn quốc ghi nhận 81 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1942 người mắc, 18 trường hợp tử vong.
Có 2 nhóm gây ngộ độc thực phẩm là vi khuẩn và virus.
Các vi khuẩn gây bệnh phổ biến nhất bao gồm: Bacillus cereus, campylobacter jejuni, clostridium botulinum, clostridium perfringens, enterobacter sakazakii, escherichia, listeria, salmonella, shigella, staphylococccus aureus, vibrio...
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn bao gồm:
Triệu chứng phổ biến:
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Sốt
- Đổ mồ hôi
Các triệu chứng ít phổ biến:
- Mờ mắt
- Đau đầu
- Mỏi tay chân
- Da ngứa ran hoặc tê
Bổ sung nước và điện giải (uống oresol), nghỉ ngơi, đó là cách duy nhất để điều trị ngộ độc thực phẩm, vì cơ thể loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách tự nhiên.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh để giúp cơ thể chống nhiễm trùng, đặc biệt là trong trường hợp ngộ độc listeria, nhất là những người có hệ miễn dịch bị suy giảm.
Các virus gây ngộ độc thực phẩm bao gồm: Noroviruses, rotavirus, viêm gan A.
Các triệu chứng của virus viêm dạ dày ruột:
- Mất nước
- Nôn mửa
- Đau bụng
- Tiêu chảy đột ngột
- Sốt
Các triệu chứng của virus viêm gan A:
- Vàng da, vàng da và mắt
- Sốt
- Buồn nôn
- Đau bụng
- Nước tiểu đậm
Các độc tố gây ngộ độc thực phẩm:
- Nấm độc
- Độc tố hạt đậu đỏ (Red Kidney Beans)
- Độc tố vỏ thuỷ hải sản (ciguatera và scombroid)
- Độc tố quả mọng (berry variety)
Mỗi nguyên nhân sẽ có triệu chứng khác nhau, biểu hiện lâm sàng khác nhau, cách điều trị khác nhau. Nguyên nhân nào cũng có thể gây tử vong khi quá nặng.
Bởi vậy trước khi ăn thứ gì, chúng ta cần phải tìm hiểu nó có hại hay không, mức độ nguy hại như thế nào – đặc biệt là khi đi du lịch, đến vùng đất mới.
Phòng bệnh rất quan trọng:
Để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trong trường học hay bất cứ bếp ăn tập thể, nhà hàng nào cũng vậy, theo tôi nên mời các bác sĩ đến hướng dẫn nhân viên, xây dựng quy trình an toàn vệ sinh bếp ăn.
Nhân viên bắt buộc phải tuân thủ quy trình đó như một nét văn minh. Còn với mọi người, tôi đưa ra lời khuyên chung như sau:
1. Giữ vệ sinh sạch sẽ
Rửa tay và sau khi chế biến thức ăn, rửa bằng xà phòng thường, dưới vòi nước chảy ít nhất 20 giây.
Sau khi xử lí thịt sống, hãy rửa tay bằng xà phòng và làm sạch dao thớt trước khi chạm và xử lí các loại thực phẩm khác. Chúng ta cũng nên đeo găng tay khi tay bị thương trước khi xử lí thực phẩm sống.
2. Nguyên liệu sạch
Không ăn thực phẩm đóng gói hút chân không, với thực phẩm đóng hộp phải kiểm tra hộp không bị lõm hoặc phồng. Không ăn thực phẩm thô, tức là thực phẩm có nguồn gốc sống, chưa nấu chín. Mua thịt, cá, thuỷ hải sản phải xác nhận có đủ tiêu chuẩn kiểm dịch hay không.
3. Bảo quản và sử dụng thực phẩm đúng cách
Thực phẩm đông lạnh phải bảo quản trong tủ đông, thực phẩm mua ngoài chợ hay siêu thị để trong tủ mát, thời gian bảo quản thực phẩm tuỳ từng loại nên cần tìm hiểu kĩ.
Nhớ đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, bạn cũng phải nấu chín thực phẩm, tìm hiểu cách chế biến và bảo vệ từng loại thực phẩm.