Tại sao bà đẻ có thói quen hơ bụng bằng bếp than?
Theo quan niệm dân gian, sau khi sinh xong cơ thể sản phụ yếu ớt và mỏng manh như con cua lột. Chính vì vậy, bà đẻ cần thời gian ở cữ đủ dài và sử dụng nhiều phương pháp hỗ trợ để sớm hồi phục sức khỏe.
Một trong những kinh nghiệm chăm sóc bà đẻ “nằm ổ” lâu đời là hơ bụng trên bếp than nóng. Nhiều người cho rằng sau khi sinh xong, tử cung bà bầu dễ bị "trống rỗng". Hơ bếp than là cách giúp cửa mình thu lại, tử cung co nhanh hơn.
Một lý do khác đưa ra là các hệ cơ quan trong cơ thể sản phụ sau sinh bất ngờ bị thay đổi trạng thái làm việc đột ngột gây nên tình trạng mất cân bằng, khí huyết bị hư tổn. Vì vậy, hơ bếp than chính là cách giúp làm ấm cơ thể, lưu thông khí huyết sau sinh.
Đến thời điểm hiện tại, rất nhiều gia đình vẫn sử dụng cách này trong thời gian chăm bà đẻ ở cữ. Tuy nhiên trên thực tế, phương pháp này có thực sự khoa học?
Nguy hại từ bếp than cho sức khỏe mẹ và bé
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung – Trưởng khoa Sản Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết quan niệm bà đẻ cần hơ bếp than sau sinh ở nước ta hoàn toàn sai lầm.
Theo đó, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung đã chỉ ra những tác hại nếu sản phụ dùng bếp than hơ bụng sau sinh. Việc làm này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Dùng bếp than hơ nóng bụng không những không làm tử cung co về vị trí ban đầu mà còn khiến bộ phận này nở và não ra.
“Cửa mình cũng không vì ảnh hưởng hơi nóng từ bếp than mà thu hẹp lại. Việc tử cung và cửa mình thu nhỏ về trạng thái ban đầu phụ thuộc hoàn toàn vào cơ địa và sức khỏe của thai phụ sau sinh” – bác sĩ Kiều Dung cho biết.
Mặt khác, nơi nghỉ ngơi của mẹ và bé thường kín, tránh gió. Bếp than được sử dụng trong khu vực này thải ra một lượng không nhỏ khí CO2 có thể làm trẻ sơ sinh bị ngạt thở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp của bé.
Bác sĩ Kiều Dung cho biết trẻ sơ sinh hít nhiều khí CO2 gây ngạt thở hoặc mắc chứng viêm phổi. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Các hiện tượng rôm sảy, bỏng khói cũng có thể xảy ra đối với làn da non nớt của trẻ.
Đối với trẻ được sinh bằng phương pháp sinh mổ, mẹ hơ bụng bằng bếp than có thể khiến chất đờm trong cổ họng con bị đọng lại, không thể thoát ra ngoài. Hậu quả là trẻ có thể mắc một số bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Chính vì những nguy hại cho sức khỏe mẹ và bé nói trên, bác sĩ Kiều Dung khuyến cáo các bà mẹ tuyệt đối không nên dùng bếp than để hơ bụng. Thay vào đó, chị em chỉ cần ăn uống đủ chất, sinh hoạt khoa học, cơ thể sẽ sớm phục hồi sau sinh.