Thành phần dinh dưỡng trong quả na
Cây na có tên khoa học là Annona squamosa L., thuộc chi Annona, họ Annonaceae. Đây là loại cây bản địa vùng nhiệt đới châu Mỹ, hiện nay được trồng ở khắp nơi trên thế giới và Việt Nam cũng là quốc gia trồng nhiều loại cây này.
Cây na cao cỡ 2–5 mét, lá mọc xen ở hai hàng; Hoa xanh, quả tròn có nhiều múi (thực ra mỗi múi là một quả), hạt trắng có màu nâu sậm. Hạt có chứa độc tố, có tính làm bỏng da và có thể trừ sâu bọ, chấy rận.
Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 7 – 8 là mùa na chín rộ, bạn có thể ăn na sau bữa ăn chính, chế biến làm món sinh tố, kem hoặc món salad trái cây.
Khi mua mẹ cần biết cách phân biệt na dai và na bở: Na dai thường ít hạt, múi na to, dễ bóc vỏ và múi cũng dai hơn. Còn na bở vỏ dày và sần hơn, khi chín thường mềm, cần nhẹ tay, rất hợp khi cho trẻ ăn.
Quả na là một nguồn tuyệt vời của vitamin C. Một quả na trung bình có thể cung cấp 1/5 lượng vitamin C mà cơ thể cần hàng ngày. Chính nhờ giàu vitamin C mà loại quả này được coi là rất hữu ích trong việc tăng cường hệ miễn dịch của con người.
Quả na còn là nguồn cung cấp kali, chất xơ, carbohydrates, một số vitamin và khoáng chất thiết yếu nên rất có lợi trong việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
Một ưu điểm nữa quả na là không chứa chất béo bão hòa và cholesterol, hàm lượng natri thấp nên rất có lợi cho những người ăn kiêng hoặc đang có ý định giảm cân.
Quả na không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng mà còn có thể sử dụng như một bài thuốc chữa bệnh trong Đông y. Quả na thường được dùng trong các bài thuốc chữa viêm họng, ho hoặc trừ chấy, rận.
Bà bầu ăn na có tác dụng gì?
Mặc dù là loại trái cây thơm ngon, giàu dưỡng chất nhưng nhiều người vẫn thắc mắc “bà bầu ăn na có tốt không?”. Câu trả lời là tốt nếu chúng ta sử dụng đúng cách.
Một số lợi ích quả na mang lại cho phụ nữ mang thai như sau:
Làm giảm các triệu chứng ốm nghén
Trong những tháng đầu của thai kỳ, bà bầu thường có triệu chứng ốm nghén như buồn nôn, mệt mỏi, ăn không ngon miệng…. Quả na có tác dụng làm giảm các triệu chứng này. Đây là câu trả lời giải đáp thắc mắc cho câu hỏi bà bầu có nên ăn na trong ba tháng đầu mang thai hay không.
Chống mệt mỏi, trầm cảm khi mang thai
Với những mẹ bầu có tâm trạng mệt mỏi, stress do căng thẳng vì công việc hoặc các cơn đau cơ trong khi mang thai thì na là giải pháp cải thiện tâm trạng.
Chất vitamin B6 có trong na còn tham gia vào quá trình tổng hợp Gaba, chất loại bỏ sự căng thẳng, làm dịu thần kinh và thậm chí là góp phần điều trị trầm cảm.
Hơn nữa, quả na còn cung cấp một lượng đường đáng kể chống lại kiệt sức, suy nhược. Trong các bữa phụ, bà bầu ăn na sẽ bổ sung thêm năng lượng và chất dinh dưỡng cho mình và bé yêu.
Lợi sữa cho mẹ sau sinh
Na không chỉ thích hợp với phụ nữ có thai, mà sau khi sinh chị em cũng nên ăn na mỗi ngày để giúp nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau sinh, lợi sữa và lấy lại vóc dáng, sắc đẹp.
Na luôn có mặt trong danh sách những loại quả giúp lợi sữa. Bà bầu ăn na giúp tăng nguồn sữa, tăng chất lượng sữa để sẵn sàng nuôi trẻ khi em bé ra đời.
Duy trì cân nặng
Đối với những bà bầu thiếu cân, ăn na sẽ giúp bổ sung dinh dưỡng giúp điều chỉnh cân nặng, chống suy nhược khi mang thai.
Tuy nhiên, các bà bầu tăng cân bình thường và các bà bầu tăng cân quá mức vẫn có thể ăn na mà không lo béo phì do quả na không chứa cholesterol và chất béo bão hoà.
Cải thiện tình trạng táo bón ở phụ nữ mang thai
Na là loại quả tuyệt vời giúp cải thiện tiêu hóa và cũng rất hiệu quả trong việc điều trị chứng khó tiêu.
Loại quả này rất giàu chất xơ cần thiết cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Do có chứa chất xơ nên nó giúp làm mềm phân và nhu động ruột hoạt động tốt hơn. Thêm vào đó, quả na có chứa magiê nên loại quả này giúp trị chứng khó tiêu và táo bón.
Bà bầu ăn na tốt cho sự phát triển của thai nhi
Na tốt cho cả mẹ và thai nhi. Các vitamin và khoáng chất trong na giúp tăng miễn dịch, hỗ trợ sự phát triển hệ thống thần kinh của thai nhi.
Ngoài ra, quả na cũng rất giàu vitamin A và vitamin C có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mắt, da, tóc và mô máu của thai nhi.
Giảm nguy cơ sinh non và giảm đau đớn khi đẻ
Bà bầu ăn na giúp cho mình có một thai kỳ khoẻ mạnh, giảm các biến chứng trong thai kỳ.
Do trong quả na có chứa nguồn đồng dồi dào (1.000 microgam đồng/ 1 quả na), nguyên tố này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện nồng độ hemoglobin trong máu.
Bà bầu ăn na chính là biện pháp hiệu quả để bổ sung đồng và sắt, hạn chế nguy cơ sinh non, sảy thai.
Ăn na đúng cách để phát huy tối đa lợi ích
Tuy na có nhiều lợi ích cho bà bầu, nhưng chúng ta cũng cần phải biết ăn đúng cách thì mới có thể tận dụng tối đa lợi ích do loại trái này mang lại.
Chúng ta nên lựa chọn quả na chín vừa bằng mẹo sau: Na chín tới thường to tròn, mắt to, kẻ mắt trắng, cuống nhỏ, vỏ không đen, quả không bị nứt. Những quả na có nhiều vảy trắng, nhiều vết nứt nẻ, bị chảy nước thường là những quả bị ủng thối, có giòi.
Quả na là loại quả thường xuất hiện giòi ở bên trong, nên bà bầu ăn na cần quan sát kỹ để tránh ăn phải giòi.
Trong hạt na có chứa độc tố cao, gây nguy hại cho cơ thể nên khi ăn na chúng ta không nên cắn vỡ hạt na. Nếu không may nuốt phải hạt, bà bầu cũng không cần quá lo lắng, vì lớp vỏ cứng dày bao bọc bên ngoài hạt na sẽ không làm hạt na phát độc chất ra ngoài. Tuy nhiên, khi ăn nên cẩn thận vì hạt na khi nuốt vào có thể gây sặc, hóc.
Phụ nữ có thai chỉ nên ăn mỗi ngày một quả na. Theo y học cổ truyền na có vị ngọt chua, tính ấm. Chỉ cần một vài quả na là khiến da bị nổi mụn cho một số người có sẵn tính nóng trong người. Thậm chí, nếu bà bầu ăn quá nhiều có thể sẽ gây nóng, táo bón, mọc mụn.
Đối với người mắc tiểu đường, đặc biệt là phụ nữ mang thai có tiền sử bệnh tiểu đường thai kỳ thì nên hạn chế ăn bởi trong na có hàm lượng đường tương đối cao.
Cũng như nhiều loại quả khác, quả na có vô vàn lợi ích cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên khi ăn chúng ta cũng cần lưu ý một vài điểm để không gặp một số tác dụng phụ không mong muốn. Để quá trình thai kỳ được trọn vẹn, đầy đủ dinh dưỡng cho mẹ và bé, mẹ đừng quên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác trong thực đơn hằng ngày của mình.