Vợ chồng tôi kết hôn được 3 năm, bé lớn mới hơn 1 tuổi nhưng tôi đã tiếp tục mang thai con thứ 2. Nguyên nhân là bởi, tôi muốn sinh liền 1 lèo để lo xong việc con cái còn tập trung cho sự nghiệp. Chồng tôi tuy không thích lắm vì lo cho sức khỏe của vợ, nhưng thấy tôi quyết tâm nên anh cũng đành chiều theo ý vợ.
Anh bảo: “Với anh thì thế nào cũng được, nhưng quan trọng là sức khỏe của em. Nếu sinh con liên tiếp như thế có ảnh hưởng gì không”. Được chồng lo lắng cho mình như vậy tôi thấy cũng hạnh phúc, càng quyết tâm sinh con để đi làm lại kiếm tiền, phụ anh gánh vác gia đình.
Một hôm nhà có giỗ, cúng cụ xong, chồng tôi và chị dâu cùng mang mâm vàng mã đi đốt. Lúc sau, tôi cũng mang chai rượu xuống cho chồng để lát hóa vàng xong thì anh đổ vào. Bất ngờ, tôi nghe được câu chuyện thì thầm của chị dâu và chồng mình.
- “Chị thấy vợ chú bầu đứa thứ 2 xuống sắc quá! Mũi nở, da sạm, tăng cân chả còn xinh xắn như ngày nào”.
- “Vợ em sinh gần nhau quá nên cũng vất vả chị ạ. Vừa phải chăm con lớn vừa bầu bí nghén ngẩm nên cô ấy mệt, chẳng có thời gian mà chăm sóc bản thân. Chị đừng để những lời này lọt vào tai cô ấy nhé kẻo vợ em lại buồn”.
Chị dâu hơn tôi 2 tuổi, lại về làm dâu trong nhà ngay năm trước, năm sau nên chúng tôi khá thân thiết. Có chuyện gì tôi cũng kể cho chị ấy nghe, kể cả chuyện sinh con đẻ cái. Trước mặt tôi thì chị ấy tỏ ra thấu hiểu lắm, vậy mà sau lưng lại nói xấu tôi trước mặt chồng tôi như thế. Người ta có câu “biết người, biết mặt khó biết lòng” quả không sai tí nào. Cũng may mà chồng tôi biết thương vợ nên tôi cũng cảm thấy được an ủi phần nào.
Thấy tôi đi ra, chị đã đổi ngay thái độ, đon đả cười cười nói nói khiến tôi rùng mình. Tối đó, tôi nói với chồng rằng mình đã nghe thấy tất cả những gì anh và chị dâu nói lúc trưa. Chồng ôm tôi, xoa nhẹ vào lưng. Anh nói dù ai nói ngả nói nghiêng, anh cũng vẫn sẽ yêu thương, trân trọng mấy mẹ con.
Sau hôm đó, tôi giữ khoảng cách với chị dâu, đồng thời tập suy nghĩ tích cực, không bận tâm quá nhiều đến lời nói, thái độ của người khác, tập trung chăm sóc cho chồng, con là được.
Sinh con quá dày ảnh hưởng như thế nào đến mẹ và thai nhi
Tưởng chừng sẽ mang lại nhiều lợi ích, nhưng thực tế việc sinh con quá gần nhau lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé. Khi sinh con liền nhau, mẹ có thể dễ dàng tận dụng lại đồ dùng của bé đầu cho bé thứ 2 cũng như kiến thức chăm con còn “nóng hổi” của mình. Hơn nữa, do độ tuổi cách biệt không nhiều, các bé dễ thân thiết với nhau hơn.
Nhiều lợi ích là vậy, nhưng hầu hết các chuyên gia đều không khuyến khích việc sinh con quá “dày”, bởi những ảnh hưởng tiêu cực tiềm ẩn cho sức khỏe mẹ và bé.
Nguy cơ sinh non, con thiếu cân
Theo nhiều nghiên cứu, những em bé được thụ tinh trong vòng 6 tháng đầu sau khi mẹ sinh đứa trẻ trước có nguy cơ sinh non lên đến hơn 40%. Ngoài ra, nguy cơ em bé sinh ra thiếu cân lên đến hơn 61% so với những em bé được thụ thai sau ít nhất 18 kể từ thai kỳ trước đó.
Đe dọa sức khỏe mẹ bầu
Nếu sinh con quá dày, mẹ dễ bị tiền sản giật, thiếu máu, tăng huyết áp trong quá trình mang thai. Trong khi chuyển dạ, mẹ bầu cũng gặp khó khăn như cơn cơ yếu, chuyển dạ kéo dài khiến mẹ mệt mỏi và có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi cũng như quá trình sinh.
Mẹ dễ bị stress hơn
Trong 2 năm đầu tiên khi hệ miễn dịch còn non yếu, trẻ rất dễ bị bệnh, Vì vậy, mẹ có thể sẽ không đủ thời gian để chăm sóc cho bé còn lại nếu 1 trong 2 bé bị bệnh. Chưa kể trường hợp hai bé lây nhau và mẹ phải xoay xở cùng lúc có thể làm mẹ mệt mỏi, tăng nguy cơ bị stress…
Khoảng cách lý tưởng giữa 2 thai kỳ
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo khoảng cách giữa 2 lần mang thai tốt nhất nên từ 2-5 năm. Những mẹ sinh thường nên chờ con đủ tháng và được ít nhất 1 tuổi mới nên có thai lần nữa. Nếu sinh mổ, mẹ nên chờ khoảng 2 năm để tránh tình trạng vết mổ bị rách trong thời gian mang thai.